Về môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Phương án nào lợi hơn?

Chủ Nhật, 05/01/2014, 11:21
Những tranh biện về kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) rốt cuộc đã bước sang ngã rẽ. Không phải bỏ kỳ thi này mà thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai phương án môn thi tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà giáo và dư luận. Lựa chọn phương án nào và đây đã phải là thời điểm thích hợp để thực hiện chủ trương đổi mới đó chưa đang được bạn đọc quan tâm. Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” Báo CAND tuần này trân trọng gửi tới bạn đọc những ý kiến và góc nhìn của các chuyên gia, nhà giáo xoay quanh chủ đề này.

Phó Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Dung hòa giữa hai phương án môn thi

Góp ý vào phương án thứ nhất môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT đưa ra. Theo đó, thí sinh thi 4 môn bao gồm hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn tự chọn, Phó Giáo sư Văn Như Cương phân tích: Thực chất phương án này cũng là thi 5 môn. Vì môn không bắt buộc là ngoại ngữ nhưng lại là môn cộng thêm điểm. Như thế, tâm lý học sinh em nào cũng sợ điểm thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp, thành ra dù vất vả cũng cố thi để khỏi băn khoăn. Còn đối với phương án 2: Thí sinh phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ và hai môn tự chọn. Phó Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: Phương án này không có nhiều ý nghĩa so với trước (thi 6 môn), vì chỉ giảm tải được một môn thi.

Phương án Phó Giáo sư Cương đề xuất là dung hòa giữa hai phương án nêu trên bằng phương án thứ ba. Nghĩa là thí sinh vẫn thi 4 môn, ngoài hai môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, thì trong hai môn tự chọn có một môn thi là ngoại ngữ. Cách tính điểm môn ngoại ngữ theo ba-rem thông thường, ngoài ra cộng thêm điểm khuyến khích đối với những bài được điểm cao theo tiêu chí đặt ra. Làm như vậy vẫn chỉ thi có 4 môn, giảm hẳn hai môn so với các kỳ thi tốt nghiệp trước đây, mà lại khuyến khích được học sinh học ngoại ngữ.

Phó Giáo sư Văn Như Cương giữ quan điểm chúng ta vẫn nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng tổ chức sao cho nhẹ nhàng hơn, chứ thi kiểu như hiện nay thì rầm rộ, tốn kém quá. Sở dĩ làm như vậy là bởi các em đã mất 12 năm đèn sách, đầu vào lớp 10 cũng trải qua kỳ thi rồi, lên lớp 11, 12 cũng phải có kỳ thi học kỳ, giờ chỉ cần một kỳ thi nhẹ nhàng để cho các em một giấy chứng nhận tốt nghiệp. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chăm lo cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thì nên để các Sở đứng ra tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, để họ tự chủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang là vấn đề toàn xã hội quan tâm.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: “Đổi mới phải có đề án tổng thể, có tính căn bản và lộ trình phù hợp”

Là người nhiều năm tâm huyết góp ý vào công cuộc cải cách giáo dục, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cũng như rất nhiều nhà giáo đang làm công tác giảng dạy đều có chung quan điểm: Đổi mới căn bản giáo dục đào tạo nói chung, kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng phải được tiến hành dựa trên một đề án tổng thể, nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không chỉ bàn câu chuyện một kỳ thi hay dựa trên việc tổng kết rút kinh nghiệm từ một số kỳ thi trước đó. Bởi thực tế nền giáo dục-đào tạo nước ta hiện còn rất nhiều điều đáng bàn, nhiều vấn đề giữ vai trò tiên quyết mà sâu xa còn là vấn đề triết lý giáo dục. Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, khi những vấn đề cơ bản được giải quyết như chuyện biên soạn sách giáo khoa, đào tạo đội ngũ người thầy (chuẩn)... thì những vấn đề còn lại trong đó có thi tốt nghiệp THPT hay không không có gì phải bàn nhiều. Đã có đề án tổng thể, thì cứ lộ trình mà làm, không nên thay đổi phương án rồi áp dụng ngay sẽ khó cho cả người dạy và người học.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại: “Phải vì ý nghĩa đích thực của kỳ thi tốt nghiệp THPT” 

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại bày tỏ quan điểm: Ở mỗi giai đoạn và yêu cầu thực tiễn phải có cách nhìn nhận về giáo dục - đào tạo phù hợp, khoa học. Xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vậy. Tại sao chúng ta không đánh giá, ghi nhận kết quả học tập rèn luyện của học sinh qua từng ngày, từng tuần, tháng, năm... để kịp thời uốn nắn xây dựng nhân cách con người, làm cơ sở phân nhánh hướng nghiệp cho các em, mà phải đợi đến 12 năm?! Về thực tiễn, nước ta hiện còn gần 80% dân cư sống bằng nghề nông, họ đầu tư cho con em học hành tốn bao tiền của công sức, đến khi kết thúc 12 năm học, nếu trượt tốt nghiệp thì cũng chẳng tới đích gì.

Thay vì nặng thi cử, bằng cấp, Giáo sư Hồ Ngọc Đại lý giải cách tuyển chọn lao động hiệu quả: Là các cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển chọn lao động họ tự đề ra tiêu chí để xét duyệt, thi cử, tuyển dụng những lao động phù hợp với yêu cầu của họ. Việc tuyển chọn đó thông qua những việc làm cụ thể, bằng chính sức lao động có thật của người được tuyển dụng, như thế mới đảm bảo công bằng, minh bạch. Ai muốn có việc làm tốt, thu nhập cao thì họ phải tự nỗ lực mà học tập nâng cao trình độ, tay nghề, chứ không phải là tạo áp lực học tập từ bên ngoài, dựa vào bằng cấp. Hiện nhiều công ty, đơn vị tư nhân đã làm tốt việc tuyển chọn này.

Thầy Nguyễn Kim Nghĩa, giáo viên Trường Hà Nội -Amsterdam: Xét tốt nghiệp 20% rất khó khách quan, khó tránh tiêu cực

Thầy Nguyễn Kim Nghĩa, nguyên giáo viên vật lý trường Hà Nội-Amsterdam tán thành với phương án thi 4 môn tốt nghiệp THPT, vì như thế dung lượng kiến thức cũng vừa phải, giảm tải cho học sinh và nhà trường. Nhưng việc lựa chọn 20% để xét tốt nghiệp là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Theo thầy Nghĩa, chúng ta đã có bài học lợi dụng quy định tuyển thẳng vào đại học mà ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chạy điểm, hoàn thiện hồ sơ. Nếu đặt ra quy định xét tốt nghiệp thì tiêu chí phải thật rõ ràng, kể cả đối với những đối tượng đạt học sinh giỏi các cấp. Chỉ riêng với tiêu chí xét tuyển đã rất phức tạp, bởi tiêu chí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khác với các tỉnh miền núi; tiêu chí trường chuyên có khác với trường bình thường hay không... Nếu không có tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch thì khó mà đảm bảo tính khách quan, tránh được tiêu cực trong khi xét tốt nghiệp cho học sinh.

Góc nhìn nhà giáo

Trao đổi với nhiều nhà giáo lâu năm tại Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Chu Văn An..., phần đông ý kiến đều bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục trong đó có thi tốt nghiệp THPT nêu trên. Nổi lên có hai luồng ý kiến rất đáng quan tâm: Thứ nhất, một việc quan trọng tác động lớn tới xã hội như vấn đề thi tốt nghiệp THPT, thì lý do gì mà Bộ GD-ĐT lại đưa ra vào thời điểm khá muộn so với lịch trình năm học để lấy ý kiến, rồi mong muốn thực hiện ngay trong năm học 2013-2014. Điều này tạo áp lực tâm lý cho cả học sinh và các nhà trường vì họ chưa sẵn sàng. Mặt khác, việc “đổi mới” môn thi này nằm ở đâu trong lộ trình đổi mới căn bản giáo dục-đào tạo? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời khả dĩ!

Thứ hai, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, dù theo phương án nào thì cốt lõi có giải quyết được đồng bộ giữa kỳ thi tốt nghiệp với kỳ thi tuyển sinh đại học hay không, vì trong tương lai các trường đại học sẽ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh? Thi tốt nghiệp, xét tốt nghiệp có khoa học, gắn được với quá trình dạy học, gắn với các yếu tố của cả chương trình phổ thông như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển từng trao đổi với báo giới hay không? Bên cạnh đó, chúng ta đang hội nhập quốc tế thì phương tiện tối cần thiết là ngoại ngữ lại chưa được đặt đúng tầm quan trọng của nó nếu cứ duy trì cách dạy, cách học và thi ngoại ngữ như hiện nay. Đó là những câu hỏi rất thiết thực trước khi quyết định lựa chọn phương án nào, cho tối ưu!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.