Về “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông
- Thượng tôn pháp luật trong giải quyết các vấn đề Biển Đông
- Quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông
- Hoa Kỳ phản đối các hành vi không tôn trọng chủ quyền trên Biển Đông
- Quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông rõ ràng, nhất quán
Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS), và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức tại Hà Nội hồi đầu tháng 11 vừa qua, một lần nữa, cụm từ “chiến thuật vùng xám” lại được các học giả trong và ngoài nước nhắc đến nhiều lần và đưa ra bàn thảo sôi nổi.
Theo đó, chiến thuật này đã liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở Biển Đông từ năm 2006.
Về mặt lý thuyết, “chiến thuật vùng xám được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Chiến thuật này có 2 đặc trưng căn bản. Thứ nhất là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng. Thứ hai là từ từ tịnh tiến.
Nhiều học giả cho rằng, đây là chiến thuật thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp. “Chiến thuật vùng xám” là hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số nước thường biện minh.
Cũng có học giả định nghĩa, “chiến thuật vùng xám” là một chiến thuật tổng thể, diễn ra liên tục từ ngấm ngầm đến phô trương lực lượng, với những cách thức sử dụng đa dạng, từ tấn công mạng, tuyên truyền truyền thông, chiến tranh chính trị, áp bức và phá hoại kinh tế, leo thang đe dọa bằng sức mạnh, vũ lực… Đi kèm với nó là việc “gây nhiễu thông tin” để che giấu dưới các thông tin sai lệch, lừa dối...
Đối với vấn đề Biển Đông, “chiến thuật vùng xám” được Trung Quốc áp dụng là "sử dụng kỹ thuật để đạt được các mục tiêu của một quốc gia và làm nản lòng các đối thủ của mình bằng cách sử dụng các công cụ sức mạnh – thường có tính chất không cân xứng và mơ hồ - mà không phải sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự thông thường đã biết".
Việc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng. |
Lyle Morris, một nhà phân tích chính sách cao cấp của công ty Rand Corporation ở Washington (Mỹ) chỉ rõ các hành động kiểu "vùng xám" thường xóa mờ ranh giới giữa khái niệm quân sự và phi quân sự. Thậm chí, một phần của chiến thuật này được Bắc Kinh sử dụng trong việc triển khai các tàu bảo vệ bờ biển phi quân sự hay tàu dân quân để mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển Đông và biển Hoa Đông.
Đặc biệt, thời gian qua, Trung Quốc vẫn leo thang triển khai “chiến thuật vùng xám” trên biển Đông trong toan tính biến vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, vùng biển hoàn toàn không thể tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, hoặc còn ngang nhiên tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
“Điều này có thể thấy rõ khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống vũ trang phi quân sự, gồm tàu hải cảnh, hải giám và đặc biệt là đội tàu cá trá hình… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, lúc cao điểm có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan Hải Dương 981, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) còn cho biết đã có ít nhất 3 tàu Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam”, tờ Political viết.
Riêng đối với vụ bãi Tư Chính, học giả Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã lý giải rằng, các hoạt động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhằm vào hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các nước liên quan trên Biển Đông đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trung Quốc cố tình ngăn chặn tất cả các hành động khai thác tài nguyên ở bên trong đường 9 đoạn. Đây là hành động đã có tiền lệ, điển hình là trước đó Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia ở khu vực ngoài khơi bang Sarawak hồi tháng 5. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cố gắng tung ra những lý lẽ có lợi cho họ; cử học giả ra nước ngoài để bảo vệ quan điểm chủ quyền hay tăng cường xuất bản các bài báo học thuật quốc tế ủng hộ quan điểm của họ.
Để hạn chế chiến thuật “vùng xám”, nhiều học giả cho rằng cần có thêm quy định đối với các hoạt động trong “vùng xám”, song cũng nhiều ý kiến cho rằng cần nhất là nâng cao nhận thức, hiểu biết về luật pháp và nâng cao năng lực thực thi luật pháp của các nước bị ảnh hưởng.
Theo yêu sách đơn phương về đường chín đoạn, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Những diện tích mà Trung Quốc đòi chủ quyền theo yêu sách này và sau này họ gọi là học thuyết “Tứ Sa” ăn sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền các bên liên quan khác, trong đó có những khu vực biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng như một số nước liên quan ở Biển Đông.
Từ tham vọng độc chiếm Biển Đông đã sinh ra “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc dùng sức mạnh vượt trội của mình so với các bên liên quan khác để thực thi thời gian qua trên Biển Đông. “Việc theo đuổi các nguồn tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, họ thúc đẩy các hoạt động nằm ở ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh mà vốn vẫn được biết đến là vùng xám”, Đại úy Martin A. Sebastian, lãnh đạo Trung tâm Ngoại giao và an ninh hàng hải thuộc Học viện Hàng hải Malaysia nói.
Phân tích thêm về việc này, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng; tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực; các nước bị ảnh hưởng buộc phải có đối sách.
Tuy nhiên, các quốc gia cũng không nên căng thẳng đẩy tình hình trở nên khó kiểm soát bởi về luật pháp quốc tế, mọi lý lẽ Trung Quốc đưa ra đều không hợp lý. Căn cứ pháp lý duy nhất mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền trên Biển Đông thì đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bác bỏ trong phán quyết đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Đồng quan điểm này, Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản nói: “Trong “chiến thuật vùng xám” của mình, Trung Quốc triển khai các tàu của lực lượng hải cảnh tới các khu vực ở Biển Đông và thực thi cái gọi là “luật pháp Trung Quốc” tại những khu vực mà nước này tự tuyên bố có chủ quyền. Nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt luật pháp của mình tại các khu vực này, điều đó đồng nghĩa với việc họ áp đặt được luật pháp của mình lên các nước khác cũng như những vùng biển đó sẽ trở thành vùng biển của họ. Chính vì thế, các nước trong khu vực cần hiểu rõ thông điệp ngầm ẩn của Trung Quốc thông qua chiến thuật vùng xám để đạt được mục đích của họ và hết sức thận trọng trước mưu đồ của Trung Quốc”.
Cũng theo Phó Đô đốc Yoji Koda, để đối phó lại với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc, các quốc gia cần cơ chế pháp lý đủ mạnh và sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế.