Văn hóa tranh luận: Cần coi trọng chân lý và sự đồng thuận

Chủ Nhật, 24/02/2013, 22:10
Trong số báo ra ngày 22/2, Báo CAND đã có bài “Văn hóa nghị sĩ” nói về việc đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) Hoàng Hữu Phước viết bài trên blog gọi ĐB Dương Trung Quốc là “tứ đại ngu” cùng những lời thóa mạ nặng nề. Để bàn thêm về vấn đề văn hóa tranh luận (cả trên nghị trường và trong xã hội), Báo CAND tiếp tục đưa ý kiến của 2 vị Giáo sư có uy tín: GS.TS. Tô Ngọc Thanh và GS. Nguyễn Lân Dũng.

GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT: Không áp đặt suy nghĩ cá nhân và lời lẽ không đẹp

PV: Trên nghị trường và cả ở lĩnh vực văn nghệ, đang có hiện tượng không bình thường: tranh luận không vào nội dung chính, mà đi vào vấn đề ứng xử, cá nhân. Quan điểm của ông trước vấn đề này?

GS. Tô Ngọc Thanh: Để nói về văn hóa tranh luận, phải nói về bối cảnh xã hội. Tranh luận là một trong những phương tiện giao tiếp xã hội, nghề nghiệp, nhằm giải quyết những vấn đề/câu hỏi cần phải thống nhất trong một nhóm xã hội nào đó.

Tranh luận ra đời từ khi mới có Nhà nước, nên rất xưa. Nhưng ở Việt Nam có những điều kiện đặc biệt: xã hội cổ truyền là xã hội gia trưởng, ngày xưa gần như không có tranh luận trong xã hội: vua bảo chết là phải chết; còn trong nhà, người phụ nữ phải tuân thủ “tam tòng tứ đức” nên không có quyền tranh luận và con cái cũng không thể “trứng khôn hơn rận”. Toàn xã hội đều đi vào chiều người trên áp đặt người dưới, nên văn hóa tranh luận chưa trở thành một thói quen trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thời hiện đại, chúng ta có xã hội dân chủ, là cơ sở pháp lý đảm bảo cho thói quen tranh luận. Do đó, tranh luận trở thành một trong những biện pháp cần thiết để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, cần được khuyến khích thói quen tranh luận. Có điều, cho đến nay, tranh luận chưa trở thành thói quen, nếu có, thì đâu đó, vẫn có những ảnh hưởng không đúng với bản chất của tranh luận.

Bản chất của tranh luận là tìm ra ra chân lý để đi đến sự đồng thuận, nhưng ở đây lại xem xét về câu chữ, thể hiện cái ứng xử cá nhân. Vì thế, lời tranh luận thường bị qui chiếu bởi quyền lợi, vị trí của từng người, khó (hoặc không) đi đến đồng thuận được. Dẫn đến điều không mong muốn là đem cá nhân vào trong tranh luận, giải quyết với nhau về ứng xử, chứ không phải đi tìm chân lý, là sai bản chất của tranh luận.

Điều này đã thể hiện ở các cuộc tranh luận về tình trạng xã hội, nghị trường, về tác phẩm văn học, cả về cách ăn mặc của nghệ sĩ v.v… Nói như vậy, không có nghĩa là không có tranh luận đúng đắn. Ví như trưng cầu dân góp ý cho Hiến pháp cũng có thể xem như là một biện pháp tranh luận, để đưa đến những điều đúng đắn, tốt nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh của đất nước.

PV: Theo Giáo sư, cần phải làm gì để xây dựng được văn hóa tranh luận đúng nghĩa?

GS. Tô Ngọc Thanh: Mỗi người phải hiểu rõ ràng rằng tranh luận để đi đến chân lý và sự đồng thuận nên cần phải bình tĩnh lắng nghe ý kiến phía bạn để tìm ra “mẫu số chung”.

Về phía mình, không áp đặt suy nghĩ cá nhân và nhất là không sử dụng lời lẽ không đẹp. “Lời nói không mất tiền mua/ Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhưng sự “vừa lòng” ở đây không có nghĩa là chấp thuận một cách thiếu nguyên tắc.

GS. Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội: Tranh luận nghị trường khác với bôi nhọ

GS. Nguyễn Lân Dũng.

PV: Thưa ông, việc ĐB QH Hoàng Hữu Phước viết bài trên blog gọi ĐB Dương Trung Quốc là “tứ đại ngu” (sau khi dẫn các nội dung mà hai ông đã tranh luận trên nghị trường), có thể coi là tranh luận?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất ngạc nhiên khi một ĐB QH phát biểu về một ĐB QH khác bằng những lời lẽ thiếu văn hóa, không chính xác như thế. Trước đây, khi ĐB Hoàng Hữu Phước không đồng ý đưa vào Luật công nhận mại dâm và Luật biểu tình, nói rằng “thay mặt nhân dân”, ĐB Dương Trung Quốc phản đối với thái độ ôn hòa: Anh không có quyền thay mặt nhân dân, mà chỉ là thay mặt ý kiến một số cử tri bầu anh thôi, vì nhân dân rất nhiều người ủng hộ có Luật biểu tình, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị. Còn nếu Luật mại dâm mà làm tốt hơn tình hình hiện nay thì nên đưa vào.

Tranh luận trong QH là bình thường, nhưng phải có lý, có tình và nhất là đúng luật. (Sau vụ việc này, đồng chí Uông Chu Lưu có nhắc: Nội quy của QH quy định đại biểu QH không được nói những lời có tính mạt sát, thiếu xây dựng với nhau, không chỉ trong kỳ họp mà cả giữa 2 kỳ họp). Nhưng việc này không phải tranh luận, mà là bôi nhọ: riêng chữ “tứ đại ngu” đã không chấp nhận được.

Việc ĐB Hoàng Hữu Phước nói về danh xưng “nhà sử học” của ĐB Dương Trung Quốc, cho thấy ông Phước không hiểu gì. ĐB Dương Trung Quốc có trình độ học vấn cao nên đã được Hội KHLS suy tôn là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội KHLS - một hội nằm trong UBMTTQ Việt Nam, trong khi các hội của chúng tôi mới nằm trong Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam và Hội này mới là thành viên UBMTTQ Việt Nam. Hiện hàng nghìn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, TP HCM là “nhà thơ”, “nhà văn” và chả ai phản đối họ! Tôi chưa bao giờ thấy anh Quốc tự nhận là “nhà sử học”. Hiện trong Quốc hội chỉ có anh Quốc chấn chỉnh những người nói sai lịch sử, nhắc nhở những sự kiện lịch sử để áp dụng vào hiện nay.

PV: Có người nói QH các nước dân chủ, vùng lãnh thổ như Đài Loan, đại biểu còn đánh nhau trong phòng họp, việc ông Phước nói ông Quốc như vậy không phải là quá đáng?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi sang Đài Loan 5 lần và có hỏi chuyện đó, nhưng được cho biết: Họ đóng kịch với nhau, chứ không phải thật đâu để tranh thủ cử tri và không bao giờ một nghị sĩ lại có những lời thiếu văn hóa, như ông Phước.

PV: Theo ông, có hay không khái niệm văn hóa tranh luận nghị trường?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tranh luận nghị trường khác với bôi nhọ. Việc bôi nhọ này sai với tư cách ĐB QH. ĐB QH có 5 nghĩa vụ, ông Hoàng Hữu Phước đã phạm 2: là “phải có tư cách”, khi việc này chứng tỏ ông ấy thiếu tư cách và “phải được nhân dân tín nhiệm”, thì với hành động này, cử tri đã bầu ông Phước không thể tín nhiệm được. Theo luật sư Trần Đình Triển, ông Phước còn vi phạm Điều 121 của Bộ luật Hình sự  “tội làm nhục người khác”.

PV: Dư luận cho rằng ông Phước không đủ uy tín làm ĐB QH, để ông ấy tiếp tục thì QH mất uy tín. Theo ông trong trường hợp này, ông Phước có nên tự xin miễn nhiệm?

GS. Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi, Ủy ban Thường vụ QH phải đối chiếu với pháp luật, với nội quy của QH và phải có hình thức xử lý, vì nhân dân đòi hỏi phải nghiêm mình, phải có những đại biểu xứng đáng. UBMTTQ TP HCM, nơi giới thiệu ông Phước tự ứng cử cũng phải có trách nhiệm. Quy trình hiệp thương rất chặt chẽ, nhưng sự lựa chọn này đã chặt chẽ chưa?

Việc bãi miễn đã có tiền lệ, thì lý do nghi vi phạm pháp luật càng phải xem xét. Tôi không đồng tình ý kiến lãnh đạo QH nói rằng, nếu anh Quốc có đơn đề nghị thì sẽ xem xét. Theo luật, cử tri, chứ không cần phải QH, thấy đại biểu mình bầu không xứng đáng, có quyền bãi miễn. Trước khi bầu đã họp cử tri để có ý kiến thì khi xảy ra phải họp lại và có ý kiến.

Một người bình thường khi ăn nói đã phải suy nghĩ, thì một nghị sĩ, một chính khách, càng cần phải thận trọng khi phát biểu trước công luận. Đây lại đưa lên blog và đài nước ngoài sử dụng ngay, là bôi nhọ và xúc phạm cả QH, cơ quan quyền lực cao nhất. Vì vậy, không xử lý sẽ không làm gương.

PV: Cảm ơn các ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.