Văn hóa nghị sĩ

Thứ Sáu, 22/02/2013, 14:26
Văn hóa nghị trường vốn được hiểu là nơi có sự gay cấn khi bày tỏ quan điểm, nhưng trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung chứ không phải là sự đố kị, thù hận. Khi có những ý kiến còn sự khác biệt, đại biểu có thể trao đổi qua nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau, song cái chính là giữ được văn hóa nghị trường, cái vốn nhạy cảm trên cương vị đại biểu dân bầu.

Vụ blog của nghị sĩ - đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đả kích đồng nghiệp làm nóng cộng đồng mạng suốt mấy ngày khai xuân và ngẫm trên mọi phương diện, việc đại biểu ứng xử với kiểu cách, ngôn từ thuộc diện xưa nay hiếm như vậy là điều tối kỵ.

Trên blog cá nhân, ông Phước viết “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)” với lời lẽ đả kích, thoái mạ rất nặng nề. Sự việc căng đến mức, nhiều lãnh đạo Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải lên tiếng, đề nghị đại biểu Phước sớm chấm dứt hành vi sai lệch và kiến nghị Quốc hội có hình thức xử lý thỏa đáng. Trong khi đó, hầu hết ý kiến độc giả bày tỏ sự bất bình và thậm chí đề nghị bãi miễn “ông nghị” Phước.

Trước vấn đề nổi cộm, hôm 18/2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có cuộc họp khẩn với đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tại cuộc họp, ông Phước thừa nhận bài viết trên là của mình và cách thức tranh luận trong bài viết không phù hợp. Trước mắt, ông đã gỡ bỏ bài viết khỏi trang blog của mình sẽ phản hồi về vấn đề này, công khai trên báo chí cùng việc gửi lời xin lỗi ông Dương Trung Quốc.

Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng bài viết nói trên không phù hợp với văn hóa nghị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, việc dùng blog để công kích (mang tính cá nhân) các đại biểu khác là không nên. Nếu không cùng quan điểm, các đại biểu có thể gửi thư về đoàn đại biểu địa phương, Thường vụ Quốc hội để nêu rõ quan điểm của mình, hoặc thẳng thắn tranh luận trực tiếp tại nghị trường.

Quả thực, ban đầu khi đọc “tứ đại ngu” trên blog ông Phước, tôi rùng mình cho rằng, có thể ai đó đã mượn danh ông Phước để bôi nhọ đại biểu Quốc hội và không tin rằng, một đại biểu của dân lại dùng ngôn từ, lời lẽ miệt thị người khác (chưa nói đó lại là đại biểu Quốc hội) đến vậy. Nhiều đại biểu và độc giả cũng nghi ngờ có kẻ nào đó mạo danh ông nghị Phước. Tuy nhiên, đích thân ông Phước đã thừa nhận đó là bài của ông và ông cũng chỉ thừa nhận việc viết rồi đưa lên blog là chưa thỏa đáng, chứ không thừa nhận nội dung trong blog là sai trái. Trong khi đó, phía ông Quốc có vẻ khá điềm tĩnh, các phần trả lời báo chí sau đó, ông dùng lời lẽ không quá nặng nề và cũng không tỏ ra phẫn nộ.

Gần đây, người ta thấy việc các đại biểu Quốc hội tranh luận tại nghị trường hay trong các diễn đàn khác, có những vấn đề khác nhau về chính kiến, về quan điểm, không bằng lòng thái độ của một đại biểu nào đó... Tuy nhiên, việc dùng lời lẽ miệt thị ở bất kỳ diễn đàn nào là điều chưa từng xảy ra.

Văn hóa nghị trường vốn được hiểu là nơi có sự gay cấn khi bày tỏ quan điểm, nhưng trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung chứ không phải là sự đố kị, thù hận. Khi có những ý kiến còn sự khác biệt, đại biểu có thể trao đổi qua nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau, song cái chính là giữ được văn hóa nghị trường, cái vốn nhạy cảm trên cương vị đại biểu dân bầu. Mấy kỳ họp gần đây, nhiều phiên thảo luận, chất vấn gay cấn, nhưng tựu chung lại là ý thức xây dựng giữa các bên, các đại biểu.

Hay như đại biểu Lê Văn Cuông, sau lần chất vấn về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiều lần không tuân lệnh Thủ tướng, bận ấy, ông Cuông bị sức ép ghê gớm. Ông Cuông kể, chất vấn buổi sáng thì buổi chiều Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô gọi điện giữa lúc ông đang thảo luận ở tổ. Tuy nhiên, ông Cuông nói, mình là đại biểu của dân thì mọi trường hợp, ứng xử phải có văn hóa, phải biết trái phải.

“Tôi đã dám nêu vấn đề chất vấn lên tận Thủ tướng thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ trả lời đàng hoàng chứ không thể giữ im lặng” - đại biểu xứ Thanh nêu quan điểm. Sau vụ đó, ông kể, dù có những lúc gay gắt do hai bên chưa hiểu nhau, nhưng tựu chung lại vẫn là tinh thần rõ ràng, trách nhiệm chứ không có sự thoái mạ, đố kị nào lẫn nhau...

Điều 46, Luật Tổ chức Quốc hội quy định, đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đại biểu phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của công dân.

Vấn đề của ông nghị Phước, giờ không còn là chuyện riêng giữa hai đại biểu mà nó đã trở thành vấn đề lớn của văn hóa nghị trường, ảnh hưởng đến niềm tin cử tri với các vị đại biểu do họ đặt niềm tin trong lá phiếu. Do đó, UBTV Quốc hội căn cứ quy định nói trên của Luật Tổ chức Quốc hội, các quy định khác liên quan để có hình thức xử lý thích hợp, làm gương răn đe chung

Đ.Trường
.
.
.