Vẫn còn tình trạng chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế

Thứ Bảy, 26/05/2018, 17:10
Bộ Tài chính  tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, có tiêu chí phân loại, phân nhóm rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai và minh bạch, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro, rủi ro cao để tiến hành và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. 

Ngày 26-5, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nêu các vấn đề tái cơ cấu ngân sách nhà nước; chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách nhà nước 2 năm 2016 - 2017 đều vượt khá so với dự toán: năm 2016 vượt 9,3%; năm 2017 vượt 6,3% so với dự toán. Tỷ trọng huy động vào ngân sách nhà nước bình quân là 25,2% GDP, trong đó, từ thuế và phí là 21,3% GDP đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Tỷ trọng thu bình quân 2 năm đạt 80% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong khi giai đoạn 2011-2015 là 68%. Thu ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng 55-56%; thu ngân sách địa phương chiếm khoảng 44 - 45% tổng thu ngân sách nhà nước. 

Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 23 xuống 20% năm 2016. Thực tế trong 2 năm, do thực hiện nhiều ưu đãi miễn giảm thuế, thực tế đã thu được bằng 15% thuế thu nhập doanh nghiệp; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thu được trên 10%...

Về chi ngân sách Nhà nước, kết quả 2 năm 2016-2017 đã kiểm soát chặt chẽ hơn về chi và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế; tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tỷ trọng chi đầu tư phát triển, bình quân đạt 27% tổng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mục tiêu đề ra là 25-26% . 

Tỷ lệ chi thường xuyên 2 năm khoảng 62-63%; riêng dự toán năm 2018 là 61,7%, mục tiêu giảm xuống dưới 64% trong khi nước ta vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở là 7%/năm. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xiết chặt kỷ luật chi ngân sách, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách... - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: vừa qua Quốc hội đã ban hành các một số Luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các việc chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương, địa phương, kể cả các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. 

Trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế... còn xảy ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt; ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao. 

Cùng đó, vừa qua đã có một số thay đổi cơ chế quản lý về thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp của cán bộ thuế hải quan với doanh nghiệp, người nộp thuế. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhưng vẫn còn các kẽ hở các đối tượng nộp thuế lợi dụng để chiếm đoạt. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng đây là hướng đi đúng cần kiên trì thực hiện; vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này. 

Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, có tiêu chí phân loại, phân nhóm rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai và minh bạch, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro, rủi ro cao để tiến hành và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình trạng chi sai quy định vượt tiêu chuẩn dự toán nhiều công trình; việc giải ngân vốn vay nước ngoài vượt kế hoạch; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, thất thoát lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị một phần do hệ thống các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, cản trở quá trình triển khai. 

Tiêu chuẩn chế độ chi tiêu vẫn còn lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều chương trình dự án dã được phê duyệt nhưng chậm triển khai. Bên cạnh đó, một bộ phận cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa có ý thức chấp hành pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách, để xảy ra tình trạng tham nhũng, chiếm đoạt tiền tài sản của nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, theo Bộ trưởng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để xiết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, như: thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung chế độ định mức chi tiêu; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức... 

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải trình về một số vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công...


Thu Thuỷ
.
.
.