Uống rượu, bia rồi lái xe: Đề xuất phạt nạo vét sông Tô Lịch, thu gom rác

Thứ Năm, 09/05/2019, 18:15

Chiều 9-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.



Chiều 9-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, nội dung phiên họp sẽ bổ sung Báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đối với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao  về bổ sung trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao tại Kỳ họp thứ 7, sau khi xem xét điều kiện chuẩn bị, nếu UBTVQH quyết định bổ sung vào chương trình thì sẽ bố trí xen kẽ với các nội dung khác nên không làm tăng thời gian kỳ họp.

Giữ 2 nội dung trình Quốc hội (không lùi sang kỳ họp thứ 8) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể  để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Không bổ sung Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vì theo quy định, tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Hơn nữa, hằng năm, Quốc hội đều đã xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, đồng thời đề nghị: Giữ lượng thời gian như đã dự kiến về một số nội dung: 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; 0,5 ngày ở hội trường/1 dự án, dự thảo.

Không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước các nội dung về: Việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Không bố trí riêng một buổi chỉ nghe trình bày tờ trình, báo cáo mà bố trí việc trình bày và thảo luận ở tổ về dự án, dự thảo vào cùng một buổi (trước đây, chương trình kỳ họp đã bố trí một số buổi riêng nghe trình bày tờ trình, báo cáo nhưng đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không thực hiện như vậy mà bố trí xen kẽ với nội dung thảo luận cho sôi nổi). Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày, bế mạc vào ngày 14-6-2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đề nghị xem xét lại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi vừa qua có ý kiến phát biểu trên ti vi của đại diện Bộ Y tế không đồng ý với quan điểm cấm quảng cáo đồ uống có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên và phát rượu khuyến mại cho trẻ dưới 18 tuổi của UBTVQH.

“Từ qua đến nay tôi phân vân lắm khi anh em soạn thảo không đồng ý, cho rằng như vậy là không đúng với phương án mà Chính phủ trình. Tác hại rượu bia, chất có cồn không những ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân mà còn ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của người khác, tình hình an ninh trật tự. Do đó bây giờ cần xem lại vì Ban soạn thảo mà không hài lòng thì đưa ra Quốc hội khó thông qua”- bà nêu.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cần xem xét lại tính cần thiết của luật này, nếu thấy vội vàng thì nên cân nhắc. Tuy nhiên có lẽ Quốc hội nên đưa ra nghị quyết giám sát việc thực hiện ý kiến của cử tri.

“Ví dụ uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông dù chưa gây tai nạn nhưng đo nồng độ cồn thấy uống ở cấp độ nào thì có thể phạt tiền ở mức cao hơn. Thậm chí cần thiết bắt lao động công ích như nạo vét sông Tô Lịch, chứ phạt tiền 20 triệu thì sẵn sàng có người bỏ tiền. Nếu nặng thì xử lý hình sự để tạo sức mạnh thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”, ông nói.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nếu uống rượu bia quá mức có thể tịch thu giấy phép lái xe và phạt lao động công ích như đi thu gom rác, anh ở địa phương nào thì về thu rác ở phường đó, đó cũng là biện pháp để giáo dục.
Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước những vấn “nóng”, gây bức xúc dư luận thì có thể nghiên cứu 1 Nghị quyết của Quốc hội, có chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý trong lúc chờ sửa luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, dư luận xã hội đang bức xúc về tác hại rượu, bia đối với vấn đề an ninh trật tự. Đây không phải là luật quy định chế tài mà chủ yếu là để phòng ngừa.

“Có ý kiến đề nghị cầm vô lăng mà uống rượu thì bỏ tù như một số nước đã áp dụng thì đó là quy định của Luật hình sự. Muốn vậy chúng ta phải sửa Luật hình sự”, ông lý giải. Do đó theo ông cứ trình Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia ra để Quốc hội xem xét quyết định, nếu thấy “chín” thì Quốc hội thông qua, còn không thì Quốc hội quyết định dừng. 


An Quỳnh
.
.
.