UBTVQH sẽ quyết định hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo

Thứ Ba, 17/11/2020, 18:34

Chiều 17-11, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.


Phiếu xin ý kiến làm cơ sở cho việc chỉnh lý luật giữa hai kỳ họp

Tại họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc, qua lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH thì đa số đại biểu không đồng ý tách Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và không cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Góc nhìn của ông Nguyễn Hạnh Phúc như thế nào, đây là bước tiến hay bước lùi trong thực hiện các dự án luật? Có ý kiến cho rằng, có trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật (UBPL) trong việc tham mưu tách luật, quan điểm của ông Nguyễn Trường Giang ra sao?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì "chả tiến chả lùi", vì đây là vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội, TTATGT. Quốc hội hay Chính phủ đều muốn sớm ban hành luật, tuy nhiên vì rất gấp nên cần có thời gian xem xét thêm. Về quy trình thì đúng, từ nội dung, báo cáo đánh giá tác động...

"Chúng tôi rất cầu thị xin ý kiến các ĐBQH, đây là cơ sở để Chính phủ có thêm thời gian tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật. Đây là bước cho ý kiến mà tôi cho rằng rất cần thiết, vì các phiếu ngoài cho ý kiến về việc có thông qua hay không còn lấy ý kiến đại biểu về những vấn đề rất cụ thể", ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Theo Phó Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Trường Giang, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã quyết định đưa vào cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10. Theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữa 2 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có quyền điều chỉnh những dự án cấp bách. Trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, UBPL phối hợp Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tham mưu cho UBTVQH, và UBTVQH đã quyết định tách phần bảo đảm TTATGT từ Luật Giao thông đường bộ ra thành một dự án luật khác. Khi UBTVQH đưa vào chương trình cũng đặt ra nhiều yêu cầu đối với Cơ quan soạn thảo, Chính phủ.

Cũng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữa kỳ họp thứ nhất mà Quốc hội cho ý kiến (nếu theo quy trình 2 kỳ họp) thì khi có vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH sẽ quyết định xin ý kiến ĐBQH để làm cơ sở cho việc giữa hai kỳ họp chỉnh lý.

Phó Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Trường Giang.

"Tôi cho rằng đây là cách làm mới, theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của Quốc hội, không phải tiến, lùi gì ở đây cả. Nếu nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đánh giá đầy đủ thì chính Quốc hội bác chứ không phải UBPL có quyền bác", ông Nguyễn Trường Giang nêu.

Theo Ủy viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng, khi các đại biểu tranh luận, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến về các dự án luật đã thể hiện trách nhiệm, cách làm việc, đổi mới của Quốc hội. Bên cạnh đó ông cũng đề nghị các phóng viên lưu ý đây chỉ là thăm dò, xin ý kiến chứ không phải biểu quyết, không phải "Quốc hội bác" như một số báo nêu. Nên phóng viên khi đưa tin cần cố gắng thể hiện đúng tinh thần của phiếu xin ý kiến.

Nếu đủ điều kiện, UBTVQH sẽ trình hai dự án luật tại Kỳ họp thứ 11

Có phóng viên băn khoăn về việc áp dụng Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật liệu có phù hợp, Phó Chủ nhiệm UBPL nêu rõ: Điểm b, khoản 1, Điều 51 về bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp thiết, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm QPAN, tính mạng, tài sản của nhân dân... thì do cách nhận thức của từng vấn đề. Tuy nhiên quan điểm của ông là UBTVQH căn cứ điểm này hoàn toàn phù hợp.

Ông tiếp tục nhấn mạnh việc xin ý kiến ĐBQH trong quá trình thảo luận và có ý kiến còn khác nhau nhằm làm căn cứ cho việc các cơ quan sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án luật giữa hai kỳ họp.

"Thẩm quyền này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc UBTVQH. UBTVQH sẽ chủ trì, giao Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp Hội đồng Dân tộc, các ủy ban xem xét. Nếu UBTVQH thấy đủ điều kiện thì vẫn có thể trình 2 dự án luật này ra Kỳ họp thứ 11. Sắp tới UBTVQH sẽ bàn về các nội dung này", ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh thêm.

Ủy viên Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trước tình hình mỗi năm có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, mỗi ngày có 28 người ra đi đã khiến Chính phủ rất sốt ruột, băn khoăn phải tìm giải pháp, sáng kiến gì đây. Vừa rồi Chính phủ có sáng kiến tách Luật Bảo đảm TTATGT ra khỏi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng với hy vọng tăng cường vấn đề bảo đảm TTATGT, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên khi trình ra Quốc hội có nhiều ý kiến nên Quốc hội yêu cầu trả lại cho Chính phủ tiếp thu ý kiến.

"Đây là phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH, chúng tôi thông báo cho Chính phủ biết, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, để Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu. Kỳ sau có trình ra 2 luật hay 1 luật nữa không là do Chính phủ trình ra, chứ không phải Quốc hội. Hiện Chính phủ thu về, nghiên cứu tiếp", Tổng Thư ký Quốc hội giải thích thêm.

Có phóng viên viện dẫn Điều 69 Hiến pháp: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và đặt vấn đề, phiếu thăm dò có mang tính quyết định hay không, Phó Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Trường Giang khẳng định, quyền lực nhà nước cao nhất thì cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghĩa là theo quy chế, theo nội quy kỳ họp, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và để tham khảo trước ý của ĐBQH thì UBTVQH hoàn toàn có quyền thăm dò ý kiến đại biểu.

Bổ sung thêm nội dung này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là vòng 1 cho ý kiến, vòng 2 mới chuyển sang cơ quan Quốc hội quyết định thông qua. Nhưng đây cũng là đổi mới của Quốc hội khóa XIV khi xin phiếu của ĐBQH ngay trong vòng 1 để có cơ sở tiếp thu ý kiến trong vòng sau...

Quỳnh Vinh
.
.
.