Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN - con đường ngay thẳng
Thế nhưng ngay lập tức, sau khi Bản TN được thông qua, nhiều tổ chức nhân quyền phi chính phủ (NGOS) ở một số nước trong khu vực và Hoa Kỳ đã lên tiếng phê phán. Vậy họ phê phán như thế nào và vì sao người ta lại chỉ trích, kỳ thị đối với văn kiện đó?
Đây là nhận xét của họ: “Không nghi ngờ gì nữa, nó (TN) không đáp ứng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, huống hồ lại thêm thắt cho nó. Nó đi ngược lại các nguyên tắc nhân quyền đã tồn tại trong hơn sáu thập kỷ qua… nó xé nát những khái niệm cốt lõi của quyền con người vốn đã được chấp nhận từ lâu”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức hoạt động cho nhân quyền Human Rights Watch ở Hoa Kỳ thì nói: “Tất cả những gì họ làm là tạo ra những kẽ hở và rồi tìm cách trau chuốt chúng”. Chúng ta sẽ trở lại những chứng cứ và “phản biện” của họ sau.
Vậy nội dung cơ bản của TN là gì?
Tuyên ngôn gồm các phần chính sau: - Các nguyên tắc chung; - Các quyền và tự do cơ bản của con người; - Quyền phát triển và Quyền được sống trong môi trường hòa bình.
Trong phần mở đầu, TN khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc và mục đích của ASEAN; khẳng định cam kết của ASEAN đối với các văn kiện của Liên hợp quốc bao gồm: Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Tuyên bố Viên và Chương trình hành động. Cũng trong phần này, Tuyên ngôn còn nhấn mạnh việc bảo đảm quyền của phụ nữ, cam kết tôn trọng và xúc tiến các nguyên tắc dân chủ, các quy định của pháp luật và quản trị tốt; đồng thời xem văn kiện này là sự góp phần vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Trong phần các nguyên tắc chung, Tuyên ngôn khẳng định: “Việc hưởng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản phải được cân bằng với việc thực hiện các nghĩa vụ tương ứng”; “Việc thực hiện các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia dựa trên sự thừa nhận sự khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo”; “Việc thực hiện các quyền và tự do cơ bản phải chịu những giới hạn theo quy định của pháp luật chỉ nhằm mục đích đảm bảo các quyền và tự do cơ bản của người khác, và để đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng, an toàn công cộng, đạo đức công cộng, cũng như phúc lợi chung, trong một xã hội dân chủ”.
Các phần tiếp theo, TN khẳng định các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người trên lĩnh vực dân sự, chính trị (gồm 14 quyền), kinh tế, xã hội và văn hóa (gồm 8 quyền). Đồng thời TN cũng khẳng định quyền phát triển và quyền được sống trong hòa bình của mọi thành viên trong cộng đồng ASEAN.
Có thể nói, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của TN hoàn toàn thống nhất với nội dung các quyền con người trong các văn kiện của Liên hợp quốc.
Những sự khác biệt nào đó của TN nói chung chỉ là cụ thể hóa các quyền con người gắn với đặc thù khu vực và trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chẳng hạn như quyền không trở thành đối tượng “buôn người, kể cả cho mục đích buôn bán nội tạng” người. Hay quyền được tiếp cận “dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản với giá cả phải chăng, quyền tiếp cận cơ sở y tế”, quyền không bị kỳ thị phân biệt đối xử của những người “có HIV/AIDS”... đây là những vấn đề “nóng” ở các quốc gia trong khu vực.
Trong khi công bố văn kiện này, Tiến sĩ Om Yentieng - người chủ trì chắp bút TN nói rằng “Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN (AHRD) là văn kiện chính trị chứ không phải văn bản pháp luật”… Sau đây “chính phủ các nước ASEAN sẽ chuẩn bị và ký kết một số công ước mang tính ràng buộc (về mặt pháp lý) đối với các chính phủ trong việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của khoảng 600 triệu người dân trong khu vực ASEAN”.
Sau đây chúng ta hãy xem người ta phê phán TN như thế nào?
Theo họ, TN khẳng định “Việc hưởng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản phải được cân bằng với việc thực hiện các nghĩa vụ tương ứng”; “Việc thực hiện các quyền và tự do cơ bản phải chịu những giới hạn theo quy định của pháp luật…” là “trái với các chuẩn mực” nhân quyền quốc tế. Thật ra những nguyên tắc trên đây không phải là sáng tạo của ASEAN. Những nguyên tắc trên đã được quy định trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, năm 1966. Trong công ước nói trên, các quyền “tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo”; quyền “tự do ngôn luận”; quyền “hội họp hòa bình”; quyền tự do “lập hội” đều là những quyền bị hạn chế” vì “An ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc các quyền và tự do của người khác”- Viện Nghiên cứu quyền con người, Các văn kiện cơ bản về quyền con người. HN, 2002, Tr 255.
Về nguyên tắc: “Việc thực hiện các quyền con người phải được xem xét trong bối cảnh khu vực và quốc gia dựa trên sự thừa nhận sự khác nhau về chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo”, theo họ đó cũng là việc cố tình “tạo ra những kẽ hở” để các chính phủ vi phạm nhân quyền. Cũng như nguyên tắc trên, nguyên tắc này không phải là phát hiện của ASEAN, mà đã được Hội nghị nhân quyền quốc tế, ở Viên (Áo), 1993 khẳng định. Văn kiện “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động” ghi: “Các quyền con người đều mang tính phổ quát”… Trong khi thực hiện quyền con người “phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo” -Tài liệu đã dẫn, Tr 44.
Đối với Việt Nam, quyền con người được xem là bản chất của chế độ và của Nhà nước. Chính vì vậy mà trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, trước khi trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có hai công ước quốc tế cơ bản, bao quát các quyền và tự do cơ bản của mọi người. Đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”, 1966.
Trong quá trình soạn thảo TN, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), ông Om Yentieng, người chủ trì chắp bút văn kiện này nói: “Chúng tôi đã học được nhiều về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chẳng hạn như việc bảo đảm quyền phụ nữ hoặc bảo đảm quyền con người trong trại giam…”.
Như mọi người đều biết ASEAN là một khối đa dạng về chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo. Sự khác biệt về chế độ chính trị, văn hóa, tôn giáo luôn luôn là những thách thức to lớn về dân chủ và nhân quyền đối với mỗi quốc gia cũng như đối với cả khối.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, vì sao người ta lại chỉ trích, kỳ thị đối với văn kiện đó?
Kinh nghiệm nhiều thập kỷ qua cho thấy, chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng tay sai của chúng luôn luôn sử dụng con bài dân chủ, nhân quyền như một chiến lược để chuyển hóa chế độ chính trị và can thiệp vào công việc của các quốc gia, nhất là những quốc gia đi theo con đường XHCN. Đằng sau việc phê phán nội dung TN, nhất là các nguyên tắc của văn kiện nằm trong chiến lược đó. Hơn nữa trong dịp này người ta còn có tham vọng lớn hơn - chuyển hóa cả “gói” các quốc gia trong ASEAN theo mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây dựa trên chính TN này. Chí ít thì họ cũng có thể giúp cho các cá nhân, tổ chức chính trị đối lập ở các quốc gia ASEAN một công cụ chính trị - pháp lý nhằm gây mất ổn định chính trị, bạo loạn lật đổ… các chính phủ không được lòng Âu, Mỹ. Đây là “ý tưởng” chính trị sâu xa của họ.
Mặc dù các NGOS “dân chủ”, “nhân quyền” ở nhiều quốc gia trong khối và ở cả phương Tây phản đối rút cuộc các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN đã ký văn bản này với đầy đủ các nội dung và các nguyên tắc như đã giới thiệu ở trên.
Có thể nói, việc các quốc gia ASEAN ký thông qua TN là một thắng lợi chính trị trong việc củng cố và phát triển nội khối. Đặc biệt là TN đã tạo ra tiền đề trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân, đồng thời ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia