Tung tin thất thiệt lên facebook, mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ Sáu, 15/08/2014, 09:21
Tung tin thất thiệt lên facebook, mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?Chỉ vì nghe hóng hớt rồi tự suy diễn, tung lên facebook “dịch Ebola ở Hà Nội”, tác hại đối với xã hội không hề nhỏ. Chơi facebook hay bất kỳ dịch vụ mạng xã hội nào khác giờ là trào lưu của bộ phận khá lớn cộng đồng và điều đặt ra là mỗi cá nhân cần phải thay đổi suy nghĩ “thích thì chơi” bằng việc tự trang bị kiến thức cơ bản nhất trước khi chơi.

Nhiều người khi chơi facebook vẫn quan niệm chỉ tránh “đụng” các thông tin về có nội dung đồi trụy, thông tin mật của Nhà nước, thông tin ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... Còn lại, bất luận đúng sai, cứ lên mạng là “chém gió” ào ào, chê một ai đó, một tổ chức nào đó hay bình luận về một vụ việc, vấn đề đang diễn ra, cứ nói “thả phanh”, đúng sai có... mạng chịu! Đã quá nhiều tổ chức, cá nhân trở thành nạn nhân của trò tán gẫu trên facebook kiểu này khi các thông tin đưa ra nhằm vào họ sai lệch hoàn toàn hoặc một phần; uy tín, danh dự bị ảnh hưởng nhưng không nhiều người truy đến cùng kẻ tung tin gây hại bởi sự phức tạp của thông tin mạng cũng như những khó khăn khi đấu tranh về mặt pháp lý để đòi lại danh dự, quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, đã đến lúc cần định hình lại về “thế giới phẳng” trên Internet, cần thay đổi suy nghĩ facebook hay các diễn đàn, mạng xã hội khác do mình lập ra là có quyền “thích thì chơi”, nói gì cũng được. Trái lại, yêu cầu tối thiểu khi tham gia diễn đàn, mạng xã hội là phải có nhận thức cơ bản nhất để biết mình được hành động trong khuôn khổ nào.

Trở lại với vụ tung thông tin “dịch Ebola xuất hiện tại Hà Nội”, tác hại của nó sau khi tung lên facebook rất lớn khi lan truyền tốc độ chóng mặt, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Tài khoản facebook “Mẹ Gateau” đăng bài viết có nội dung: “Theo thông tin đã xác nhận từ ng nhà em làm trong BV là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé…”. Với kiểu viết dẫn dắt “thông tin đã được xác nhận” và nguồn lại được nói “từ người nhà em làm trong bệnh viện” khiến người đọc dễ tin là tin có thật, trong khi một facebook khác lại răn kiểu úp mở: “tin nội bộ chưa tiết lộ vì sợ ảnh hưởng”... Thực tế như các đối tượng đã khai tại CQĐT thì người nhà được nói trên facebook chính là mẹ của cô ta và chính bà mẹ đó đã nói: “Mẹ hỏi sếp bảo không có trường hợp nào”...

Thông tin về dịch bệnh nguy hiểm như Ebola hiện rất nhạy cảm, dư luận đặc biệt quan tâm và chỉ có cơ quan y tế mới xác định có hay không dịch bệnh này tại Việt Nam. Kiểu thông tin như trên theo lối “nghe hơi nồi chõ” rất nguy hiểm, tự suy diễn, “bơm vá” trên diễn đàn, không hề có cơ sở nào cả nhưng lại nói y như thật, như chính xác 100% rồi. Trong khi đó, cư dân mạng cũng không rõ đầu đuôi, thêm bớt và lan truyền, bình phẩm như một “thông cáo” có thật, gây hoang mang dư luận.

Động cơ tung tin của các đối tượng là gì?

Dạo trước, một thanh niên tung tin “Thanh niên đi xe Camry rút súng bắn hạ tài xế xe tải sau va quệt”, kèm cả ảnh có xe Camry và xe tải, chú thích ảnh tại hiện trường. Kiểu học đòi nghề báo “tin có ảnh” đánh vào tâm lý người đọc, dễ tin là thật khiến dư luận lo lắng. Công an Quảng Bình vào cuộc điều tra, xác định đối tượng tung tin là Ngô Đình Sơn (SN 1993), trú tại phường Hải Đình, TP. Đồng Hới. Sự thật là Sơn đã tự lấy xe Camry của mình, bày dựng bên đường rồi chụp ảnh chú thích như trên. Đáng nói, động cơ của cậu ta muốn dựng tin gây sốc để tạo độ “hot” cho facebook của mình. Đây quả thực là một trò ngông khi gây sự chú ý bằng hành vi phạm pháp mà bản thân người thực hiện lại không ý thức được việc đó khi trả lời rất ngô nghê trước CQĐT.

Còn như vụ đưa tin dịch Ebola, cả Vũ Hương Thảo và Nghiêm Thùy Trang, tin giả nhưng lại nói như thật, viết như thật để “cảnh báo mọi người”. Tất nhiên, lời khai của cả Thảo và Trang dù có vẻ mang màu sắc tích cực là “cảnh báo” thì nội dung tin đã vi phạm pháp luật: đưa tin giả lên mạng, gây lo lắng, hoang mang trong dư luận. Trong trường hợp nếu CQĐT xác định động cơ tung tin là có dụng ý xấu, việc xử lý cũng sẽ nghiêm khắc hơn.

Thực tế, chúng ta đã có các luật, nghị định điều chỉnh lĩnh vực này. Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Theo khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b, khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Như trường hợp của Ngô Đình Sơn, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với 2 hành vi là lập trang mạng điện tử không có giấy phép và bịa đặt, đưa thông tin không đúng sự thật.

Điều 37, Bộ luật Dân sự quy định rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Việc tung tin thất thiệt lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa  tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Người có hành vi tung tin đồn thất thiệt cũng có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể như việc vừa qua một số đối tượng tung tin ăn bưởi bị ung thư, tung tin sắp có tiền mệnh giá 1 triệu đồng... Đây là dạng hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường, có thể bị xử phạt theo Điều 18, Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá...

Như vậy, chế tài hành chính và hình sự đã có, cái quan trọng là mỗi người cần phải nắm được để biết mình cần tránh làm những gì pháp luật không cho phép, tránh những kiểu chơi ngông vì thiếu hiểu biết mà phạm pháp. Chơi facebook và tham gia các diễn đàn giờ đang là trào lưu, và khi để chế độ mở thì những bài viết, ý kiến của mình đưa lên mạng, chính mình phải phải tự kiểm soát lấy. 

Điểm d, Điều 5, Nghị định 72 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Còn tại khoản 5, Điều 21 quy định: “Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về các thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc phát tán trên mạng”.

Đ.T.
.
.
.