Tự do ngôn luận không thể là xuyên tạc sự thật!

Chủ Nhật, 13/05/2012, 19:53
Không phải 3 blogger bị bắt, tạm giam và truy tố vì "thực hành quyền tự do ngôn luận… một cách ôn hòa" (theo ông Phil Robertson, HRW), cũng không phải họ "không làm gì hơn là thực thi quyền tự do biểu đạt đã được nhân loại thừa nhận" (theo bà Darragh Paradiso - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ). Những việc mà 3 công dân đã làm nằm trong ý đồ và hành vi chính trị nguy hiểm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 15/4/2012, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày, 60 tuổi, ngụ quận 3), ông Phan Thanh Hải (blogger Anhbasaigon, 43 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) và bà Tạ Phong Tần (blogger Sự thật và công lý, 44 tuổi, quê Bạc Liêu) về tội "Viết bài xuyên tạc sự thật, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cũng như những phản ứng trước đây đối với tội phạm liên quan đến Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, viết tắt là HRW) - được xem là "sân sau" của những lực lượng cực hữu về dân chủ, nhân quyền trong chính giới Hoa Kỳ đã lên tiếng "kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức 3 blogger".

Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, ông Phil Robertson, phát biểu với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) Việt ngữ: "Chúng tôi hết sức quan ngại về trường hợp của 3 blogger này. Rõ ràng họ bị xét xử vì đã thực hành quyền tự do ngôn luận. Những việc họ làm không gì hơn là nói lên quan điểm một cách ôn hòa". Không hiểu căn cứ vào đâu ông Phil Robertson, một quan chức hàng đầu của HRW lại có một bình luận rất phi chính trị rằng: "Việc bắt giữ các blogger này không thể che giấu hay giải quyết được những việc mà họ (3 blogger) đã thông tin, mà ngược lại, đã vi phạm quyền của người cầm bút và quyền được tiếp cận thông tin của độc giả".

Thật đáng tiếc, ngày 18/4/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - bà Darragh Paradiso nói Chính phủ Hoa Kỳ cũng "kêu gọi" Việt Nam hãy trả tự do cho 3 blogger đã bị cáo buộc vi phạm pháp luật. Theo bà, những người này "không làm gì hơn là thực thi quyền tự do biểu đạt đã được nhân loại thừa nhận".

Vậy 3 công dân nói trên đã làm gì mà được HRW và quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm đến như thế?

Theo cáo trạng, Viện KSND TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy) đã cùng một vài người thành lập "Câu lạc bộ nhà báo tự do" (CLBNBTD) do ông làm chủ nhiệm, thiết kế blog cho các thành viên cùng sử dụng.

Nhằm độc quyền điều hành CLBNBTD, Nguyễn Văn Hải đã tự động thay đổi mật khẩu của blog này đồng thời lôi kéo bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải tham gia vào CLBNBTD. Để khẳng định "vị thế, công lao" của mỗi người, " Điếu Cầy" biến blog này thành một tổ chức, hoạt động trong thực tế và trên mạng, trong đó, Nguyễn Văn Hải làm "chủ nhiệm", Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần phụ trách trang "Khoa học pháp lý".

Ngay sau khi thay đổi mật khẩu, Nguyễn Văn Hải và các cộng sự đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tài liệu của cơ quan công tố xác định, từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2010, Hải và đồng phạm đã có 421 bài trên blog CLBNBTD, trong đó có 94 bài do các thành viên viết, 327 bài đăng lại từ các trang web của các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam.

Như vậy là, không phải 3 blogger bị bắt, tạm giam và truy tố vì "thực hành quyền tự do ngôn luận… một cách ôn hòa" (theo ông Phil Robertson, HRW), cũng không phải họ "không làm gì hơn là thực thi quyền tự do biểu đạt đã được nhân loại thừa nhận" (theo bà Darragh Paradiso - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ). Những việc mà 3 công dân đã làm nằm trong ý đồ và hành vi chính trị nguy hiểm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân:

 Một là, họ đã xây dựng tổ chức phi pháp: Đó là CLBNBTD tồn tại và hoạt động trong thực tế và dưới dạng mạng;

Hai là, họ đã viết nhiều bài có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

Ba là, họ còn có nhiều hoạt động khác nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, như: Tổ chức các cuộc biểu tình tại TP Hồ Chí Minh; trực tiếp quan hệ và nhận sự hướng dẫn chỉ đạo của Nguyễn Tiến Trung, gặp gỡ các tổ chức phản động của Nguyễn Sỹ Bình, Đặng Thị Thanh Chi... ở nước ngoài; Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải còn tham gia khoá huấn luyện do tổ chức khủng bố mang tên "Đảng Việt Tân" tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 3/2008.

Rõ ràng, các thế lực chống phá Nhà nước Việt Nam đã và đang dùng thủ đoạn "đấu tranh bất bạo động", "kỹ năng mềm"… để lật đổ chính quyền hiện hữu. Trên thực tế hành động "bất bạo động", "kỹ năng mềm" chỉ diễn ra ban đầu. Đó là sự chuẩn bị về lực lượng, gây sức ép với chính quyền,… để thực hiện các hoạt động liều lĩnh và nguy hiểm tiếp theo.

Đương nhiên Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam không áp dụng cho tất cả những hành vi "Bất bạo động", mà chỉ áp dụng cho những hành vi "Bất bạo động" nào  nhằm chống chính quyền nhân dân, đặc biệt là thành lập tổ chức và các hoạt động như: đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động, viết cương lĩnh, điều lệ, tuyên truyền, lôi kéo người khác vào tổ chức… nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, hoặc tham gia tổ chức, các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Ở đây, tội phạm được xem là hoàn thành khi chủ thể có hành vi tổ chức hoặc tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, chưa cần gây ra hậu quả gì về chính trị, kinh tế, xã hội…

Như nhiều người đã nói: "Không thể dùng trò ảo thuật về ngôn từ mà tránh được sự trừng phạt của pháp luật". Không thể dùng khái niệm "tự do ngôn luận "theo quan điểm xa lạ hoặc khái niệm, "bất bạo động", "kỹ năng mềm" để tránh sự trừng phạt của pháp luật. Bởi vậy, nếu muốn được mọi người tôn trọng, ông Phil Robertson (HRW) và bà Darragh Paradiso (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) không nên tham gia vào trò "ảo thuật ngôn từ" như những kẻ hành nghề chống Cộng trên mạng

T.T.
.
.
.