Trở lại chuyện bé gái 13 tuổi lừa vụ "tỏ tình gây sốc"

Chủ Nhật, 23/10/2011, 14:40
Nạn nhân của "trò đùa con trẻ 13 tuổi" đều là những người lớn có học thức, biết việc tiếp tay cho T.A. là sai trái, nhưng vì sao họ vẫn cứ làm? Phải chăng, các doanh nhân trẻ thì muốn trục lợi, "diễn viên đóng thế" thì muốn kiếm tiền, các nhà báo thì muốn "nổi tiếng", muốn đông người truy cập… nên tất cả đều bất chấp nguyên tắc tối thiểu, thậm chí vi phạm pháp luật và đạo đức, để nhân cách của một số người bị trượt dài theo mạng ảo?

Cách đây gần 2 tháng, chiều 22 và sáng 23/8, trên một số blog, diễn đàn và một số báo điện tử Việt Nam có đăng tải một bài viết khá "giật gân": "Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc". Đi xa hơn, một số bài báo, tin tức đều khẳng định nhân vật tỏ tình gây sốc trong clip tung lên mạng là Phạm Nhật Hoàng, con trai ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Theo điều tra của Cục An ninh thông tin và truyền thông (Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an), thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Câu chuyện khó tin này bắt đầu từ một cháu gái 13 tuổi giấu mặt trên mạng ảo Internet đã "sáng tác" một kịch bản lừa một loạt nhà báo, doanh nhân, sinh viên… làm theo "trò chơi trẻ con" của cháu với mục đích tư lợi, gây hậu quả xấu cho người khác. Chúng tôi xin trở lại câu chuyện này để làm rõ hơn bài học đắt giá khi khai thác và sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng trên "mạng ảo" hiện nay.

Khi trẻ con cũng biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin

Bằng tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm điều tra, sau khi áp dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, chỉ hai ngày sau cơ quan An ninh đã xác định địa chỉ "xuất phát điểm" của nguồn tin mà các báo khai thác là một chiếc máy tính cá nhân của một cháu gái 13 tuổi tên là T.A., đang là học sinh lớp 8 trường THCS (Hành vi của cháu T.A. là nghiêm trọng, nhưng để giúp cháu được học tập bình thường, chúng tôi không đưa tên thật và địa chỉ của cháu).

Theo lời mẹ cháu cung cấp cho cơ quan An ninh, cháu T.A. là học sinh giỏi suốt 7 năm liền, đặc biệt là môn tiếng Anh, cháu học rất xuất sắc, lại biết sử dụng thành thạo máy tính từ ngày học lớp 3 nên ngoài giờ học, cháu suốt ngày "la cà" trên mạng.Khi cán bộ cơ quan An ninh hỏi, vì sao cháu có thể tự làm như vậy, nhằm mục đích gì, có ai "xui" hoặc "nhờ vả" không, thì rất hồn nhiên, cháu T.A khai nhận thế này:

- Trong một dịp đi nghỉ mát cùng gia đình tại Vinpearl ở Nha Trang, bất ngờ cháu bắt gặp một chị rất giống hotgirl P.D.Q.A. (vừa du học ở Australia về nước, từng có hơn 200 ảnh trên blog cá nhân, được T.A. coi như thần tượng), nên cháu nảy ra ý định muốn trêu đùa, tán tỉnh chị ấy. Vì thế cháu tự nghĩ và chọn anh Phạm Nhật Hoàng, mạo danh anh ấy để tán chị Q.A.

Cháu tự lập email, lấy nick là tony-scary (đóng giả Phạm Nhật Hoàng), lập nick có tên là regrettime (đóng giả Phạm Nhật Linh, em gái ruột anh Hoàng); sau này cháu còn lập ra nick là vuong-vingroup (đóng giả bác Phạm Nhật Vượng - bố của Hoàng, Linh) để tiện nói dối với mọi người… Còn ảnh anh Hoàng cháu post lên mạng thực ra là ảnh của một người khác đóng thế, cháu lấy từ một bạn chát tên là H.B. (chúng tôi viết tắt - PV) gửi ra theo yêu cầu của cháu…

Dưới sự bảo trợ của mẹ, T.A. đã tiếp xúc trực tiếp với cán bộ của cơ quan An ninh. Rất thành thật, ngay từ lúc đầu, cháu T.A. đã khai nhận chính cháu là tác giả của bài viết "Tỷ phú dolla Phạm Nhật Hoàng, con trai Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất thị trường chứng khoán" được post lên mạng Internet thuộc mạng xã hội www:beat.vn vào lúc 23h57' ngày 10/6.

Cùng với bài viết trên, T.A. còn tự viết một bài báo khác có tên là "Người yêu của anh (tức Phạm Nhật Hoàng) là hotgirl nổi tiếng Sài thành Whitebear" cũng được post lên mạng trên… Đây chính là những thông tin cháu bịa ra để chuẩn bị cho "kịch bản" Phạm Nhật Hoàng gặp hotgirl Q.A., gọi là "chiến dịch Monterosa" sẽ diễn ra tại một quán café tại TP Hồ Chí Minh.

Ở trên mạng, cháu đã mạo danh, đóng vai Phạm Nhật Hoàng với "tiểu sử" tự bịa đang du học ở Anh, không thể về nước vì "bố Vượng" không đồng ý nên lừa cả một kíp diễn người lớn hùng hậu "giúp đỡ" Hoàng "tỏ tình" với Q.A.. "Ăn quả khế, trả cục vàng", cháu đã mạo danh Hoàng để bắn tin với những ai "giúp đỡ" mình sẽ được trả công về sau…

Theo lời khai của T.A., cháu đã tự viết một kịch bản về việc cho anh Phạm Nhật Hoàng vào TP Hồ Chí Minh gặp Q.A. vì theo cháu, hai người thật "đôi lứa xứng đôi". Trong kịch bản có tên là "chiến dịch Monterosa" sẽ có một Phạm Nhật Hoàng giả đi một chiếc xe con thật "khủng" (đúng tầm con một đại gia) đến một quán café tại TP Hồ Chí Minh để tặng hoa và tặng quà cho Q.A. thật.

Phạm Nhật Hoàng giả sẽ xuất hiện cùng với 4 vệ sỹ, "trợ lý" của Tổng Giám đốc Vingroup và bác Hùng (đóng vai người thân của Hoàng, với chức danh bịa là Chủ tịch Tập đoàn Cửu Long Jewely) sau này sẽ "lót ổ" để giúp đỡ Q.A. lâu dài. Có một điều đặc biệt quan trọng trong kịch bản là yêu cầu không để Q.A. biết đây là Hoàng giả.

Vì thế, hành động "vở kịch" phải diễn ra thật nhanh, chỉ để Hoàng giả nói đúng 2 phút, sau đó lấy cớ phải ra sân bay Tân Sơn Nhất sớm để quay về Anh quốc, không cho Q.A. có cơ hội nhận biết. Trong kịch bản có một lời thoại như thế này khi đứng trước Q.A.: "Đây là anh Nhật Hoàng, còn em là trợ lý của Tập đoàn Vingroup, rất vui được gặp mọi người hôm nay ở đây…".

Sau khi trao quà cho Q.A., kịch bản phải để Hoàng giả nói: "Giờ anh phải quay lại London luôn. Rất tiếc…", và Hoàng giả cùng 4 vệ sỹ ra sân bay luôn để không bị mọi người và Q.A. phát hiện sơ hở…

Vì sao các doanh nhân, nhà báo dễ bị lừa đến như thế?

Người đầu tiên bị T.A. đưa "vào tròng" là L.H.T., sinh viên đại học năm thứ 3, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hiện làm Giám đốc một công ty cổ phần truyền thông. Theo lời khai của T. với cơ quan An ninh, trong một lần "dạo chơi" trên mạng, T. làm quen và chát với nick tony-scary và được giới thiệu đó là Phạm Nhật Hoàng, con trai của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (thực ra đây là nick của cháu T.A. 13 tuổi mà chúng tôi giới thiệu ở trên).

Chát đi chát lại nhiều lần, T. tin rằng đây đúng là Phạm Nhật Hoàng và nhận lời giúp đỡ Hoàng để tìm người đóng giả Hoàng đến gặp Q.A., mà không biết người đang quản trị tên nick tony-scary này chính là T.A.. Cứ thế, T.A. yêu cầu T. tìm "diễn viên" đóng thế Phạm Nhật Hoàng, thuê 4 vệ sỹ bảo vệ Hoàng giả, thuê xe ôtô loại "khủng" chở Hoàng giả và các vệ sỹ trong chuyến đi chớp nhoáng gặp và tặng quà Q.A..

Cũng theo lời khai của T. thì một vài lần "chát" trên mạng, có lúc T. chưa yên tâm liệu đây có phải Phạm Nhật Hoàng thật hay không, nhưng được T.A. nhập vai hết sức hoàn hảo nên chính anh bị khuất phục. T.A. đã sử dụng hai nick mạo danh Phạm Nhật Hoàng và em gái là Phạm Nhật Linh để "tự chát" với nhau như anh em ruột, rồi gửi cuộc chát này cho T. để làm tin. T.A. không lộ mặt, nhưng đã dùng hình ảnh của mình, "chát voice" để T. nhìn thấy T.A., tin đây chính là Phạm Nhật Linh, em ruột Hoàng (cơ quan An ninh đã yêu cầu T.A. thực nghiệm điều tra và thấy đúng như lời khai của T và T.A.).

Khi tính toán số tiền để thực hiện "chiến dịch Monterosa" lên tới hàng chục triệu đồng, T. đã cắn răng đề nghị T.A. cung cấp tiền nhưng T.A. "chát" rằng, Hoàng đang ở Anh, mọi tài khoản bị "bố Vượng, mẹ Hương" phong tỏa nên không có cơ hội. T.A. cũng mạo danh Hoàng để hứa là sau này về nước, sẽ nói "bố Vượng" giúp đỡ anh T. làm ăn.

Vậy là T. đã vui vẻ, tự nguyện bán đi một bức tượng mà anh rất quý để "giúp Hoàng" thực hiện chiến dịch. T. đã đăng tin tuyển diễn viên đóng thế Phạm Nhật Hoàng với tiêu chí của T.A đưa ra. Sau một thời gian đăng tin, T. đã tuyển được người đóng thế Phạm Nhật Hoàng tên là H.B. cùng các vệ sỹ. Có lẽ để tiết kiệm chi phí, T. đã kiêm luôn chức vụ trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đi phục vụ Hoàng giả.

Khi mọi việc đã chu tất, T.A. còn yêu cầu được kiểm tra ảnh diễn viên đóng vai Phạm Nhật Hoàng, dặn T. gửi trước cho Q.A. T.A. còn yêu cầu khi chụp ảnh phải treo logo Vingroup để chứng minh với Q.A. là Hoàng đang ở Tập đoàn tại Hà Nội…

Ngày 28/7, theo "chỉ đạo" của T.A., T. đã chỉ huy cả kíp diễn đến quán Lamert cà phê (quận 1, TP Hồ Chí Minh) gặp Q.A. và "diễn" đúng như kịch bản. T. đã khai với cơ quan An ninh rằng: "Tôi nghĩ giúp anh Hoàng để sau này có cơ hội được làm ăn với bố anh là Phạm Nhật Vượng". Anh cũng khẳng định mình không đồng tình việc quay videoclip "chiến dịch Monterosa".

Vì thế khi phát hiện có người trong kíp diễn quay phim trộm, chính T. đã cáu gắt và kết thúc sớm cuộc gặp. T. không thể ngờ, chính T.A. đã bí mật "chỉ đạo" một nhân viên của kíp diễn quay clip, sau này tung lên mạng với tiêu đề "Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc"…

Sau này khi báo chí đăng tin, cơ quan Công an vào cuộc, T.A. đã lộ mặt gọi điện cho T. thú nhận đã lừa T. như thế nào thì mọi việc đã muộn… Cũng chỉ vì động cơ vụ lợi cá nhân, T. đã tiếp tay cho một trò đùa chết người, gây hậu quả nghiêm trọng mà không thể sửa chữa lỗi lầm…

Người mạo danh Phạm Nhật Hoàng khi đến gặp Q.A.

Vậy người giúp T.A. quay clip là ai? Đó là H.B., người thứ 2 mà T.A. đã thực hiện cú lừa ngoạn mục. H.B. là một sinh viên, quê ở Đà Lạt, là người đóng vai trò môi giới để kíp diễn viên "chiến dịch Monterosa" gặp được Q.A. H.B. khai nhận với cơ quan An ninh: "Dạo chơi trên mạng, tôi có "quen" với một Facebook tên là Nhật Hoàng (thực chất là T.A.), anh ấy tự nhận là con của ông Phạm Nhật Vượng. Anh ấy kể là yêu đơn phương Q.A.

Sau khi xem hình Q.A., tôi nhờ 2 người bạn mình chơi thân với Q.A., nhờ mời cô đến quán café để gặp gỡ. Hôm đó, tôi quay clip và gửi cho anh ấy xem. Vẫn thấy anh ấy buồn, tôi nhờ người viết bài gửi nick của anh ấy và tung lên mạng Facebook và Youtube… Sau khi biết là chuyện giả mạo, tôi thấy thất vọng và xấu hổ với mọi người…".

Và "nạn nhân” thứ 3 của T.A. là một số phóng viên báo chí. Đầu tiên là phóng viên của một tờ báo điện tử có uy tín trích dẫn tin mà cháu T.A đã tung lên, kèm với đoạn clip đã quay lén cảnh gặp Q.A.. Đáng tiếc, khi thấy nguồn tin chưa tin cậy, lãnh đạo báo này đã yêu cầu phóng viên phải gọi điện thoại hoặc gặp Phạm Nhật Hoàng hay gia đình ông Phạm Nhật Vượng để xác minh, nhưng lấy cớ không thể liên lạc được, phóng viên và lãnh đạo báo này đã "liều mạng" cho đăng tải bản tin tổng hợp lấy từ nguồn do cháu T.A. bịa đặt ra.

Theo một vị lãnh đạo trình bày: "Khi thấy đây là tin "hot", thu hút sự quan tâm của giới trẻ, nên tôi đã cho xuất bản bài viết "Nóng clip thiếu gia Sài thành tỏ tình với hotgirl" khi thông tin chưa được kiểm chứng… Đây cũng là bài học lớn cho tôi, cần phải rút kinh nghiệm và thận trọng hơn trong quá trình tác nghiệp sau này…". Nhưng hỡi ôi! Như một phản ứng dây chuyền, ngay tức khắc, một số báo điện tử khác… đã "ăn theo" trích nguồn, hoặc "bê nguyên", biên tập lại chút ít rồi post lên mạng loan tin ra cả cộng đồng. Cách làm ấy phải chăng là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm và thiếu đạo đức?

Có thể nói không ngoa rằng, nạn nhân của "trò đùa con trẻ 13 tuổi" đều là những người lớn có học thức, biết việc tiếp tay cho T.A. là sai trái, nhưng vì sao họ vẫn cứ làm? Phải chăng, các doanh nhân trẻ thì muốn trục lợi, "diễn viên đóng thế" thì muốn kiếm tiền, các nhà báo thì muốn "nổi tiếng", muốn đông người truy cập… nên tất cả đều bất chấp nguyên tắc tối thiểu, thậm chí vi phạm pháp luật và đạo đức, để nhân cách của một số người bị trượt dài theo mạng ảo? 

Trong cuộc sống của thế giới hôm nay luôn ẩn chứa những mâu thuẫn và sự cạnh tranh quyết liệt. Còn trong thế giới ảo của mạng Internet lại luôn tiềm tàng những cạm bẫy bất ngờ. Cuộc sống sôi động ấy đòi hỏi các công dân, nhất là nhà báo phải luôn tỉnh táo, nhạy bén, nêu cao trách nhiệm mới hi vọng góp phần nhỏ bé của mình thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Câu chuyện về một bé gái 13 tuổi "lập trình" lừa nhiều người lớn khác trở thành đồng phạm tiếp tay cho hành động vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ mãi mãi là bài học đắt giá, hữu ích đối với mỗi chúng ta.

Chúng tôi được biết, T.A. và mẹ cháu đều thừa nhận, chính chị gái của T.A. là một sinh viên khi phát hiện trò đùa quái chiêu này đã khuyên T.A. dừng lại, không nên tổ chức cuộc gặp với Q.A., nhưng T.A. đã bỏ ngoài tai, để phải hối hận: "Cháu thấy việc làm trên là sai, lợi dụng lòng tin của người khác, làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là gia đình bác Vượng và các anh ở TP Hồ Chí Minh… Cháu rất hối hận và cháu muốn sửa chữa, cháu xin hứa không tái phạm…".

Hiện cháu T.A. và mẹ cháu đã viết thư xin lỗi gia đình ông Phạm Nhật Vượng. Nhưng theo chúng tôi, cháu cũng cần có thư xin lỗi những doanh nhân, những sinh viên, chị Q.A. mà cháu đã đưa họ "vào tròng" trong một cuộc chơi "giấu mặt", gây nên "kỷ niệm buồn" với họ trong hành trình tới tương lai...

Nguyễn Anh Thảo
.
.
.