Trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi: Không chỉ là làm từ thiện

Thứ Sáu, 14/04/2017, 18:54
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn những hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi cần hướng đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của những đối tượng này.

Ngày 14-4, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (nhiệm kỳ 2017-2022), tại Hà Nội.

Nhiệm kỳ 2012-2017, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ quỹ bằng tiền và hiện vật, quy tiền là hơn 1.862 tỷ đồng; phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng với tổng trị giá gần 275 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho Hội là 212 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ trên, Hội đã tổ chức thực hiện thành công 6 chương trình trọng tâm Đại hội IV đề ra, tham gia thực hiện các phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, hỗ trợ hơn 6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh từ hoạt động từ thiện thuần túy sang hoạt động có tính định hướng là bảo vệ quyền của các đối tượng này. Ảnh: VGP/Đình Nam.

Tại đại hội lần thứ 5, các đại biểu đã thảo luận, thông qua phương hướng hoạt động với các mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới nhận thức, chuyển hướng mạnh sang hoạt động trợ giúp bền vững, bảo đảm quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi và đối tượng yếu thế khác.

Theo đó, Đại hội đề ra mục tiêu vận động Quỹ đạt 1.650 tỷ đồng; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho 7.000 người; phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 38.000 ca; phẫu thuật phục hồi chức năng, phẫu thuật tim cho 5.000 ca; hỗ trợ mua 30.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo, hộ đang gặp hoàn cảnh khó khăn; tặng 40.000 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp; tặng 10.000 xe đạp; 50.000 suất học bổng; hỗ trợ sinh kế cho 8.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi tại 300 xã xây dựng nông thôn mới...

Đồng thời, Hội tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; các hoạt động góp phần bảo đảm quyền của người khuyết tật trong văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; củng cố và hoàn thiện tổ chức Hội, tham gia tích cực vào các hoạt động phản biện, góp ý kiến vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm xúc động khi dự một đại hội của lòng nhân ái tất cả vì cộng đồng, vì quyền con người, của những người khuyết tật, trẻ mồ côi, của các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi chân thành cùng tình cảm tốt đẹp nhất tới tất cả những người khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người yếu thế trong xã hội.

Nhắc lại truyền thống của dân tộc, mong muốn của Đảng, của Bác Hồ từ khi đất nước được độc lập là mọi người dân luôn được hưởng tự do, hạnh phúc, Phó Thủ tướng nêu rõ: Truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” luôn được đề cao và là mục tiêu phấn đấu của cả nước, trong tất cả các hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể và các hội đoàn thể.

Đối với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, điều này càng thể hiện rõ nét trong suốt 25 năm qua, khi các quy định bảo vệ người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người yếu thế trong xã hội đã được luật hóa, xây dựng thành các chương trình hành động, các đề án của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành và các địa phương. Hàng chục triệu lượt người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trực tiếp nhận được sự trợ giúp.

“Rất nhiều người khuyết tật đã vượt lên chính mình, vượt qua sự tự ti để sống một cuộc sống có ý nghĩa như những người bình thường. Không ít người còn đạt được những thành tích mà những người bình thường cũng không đạt được và trở thành những tấm gương về sự kiên trì, vươn lên trong cuộc sống, trở thành động lực của rất nhiều người”, Phó Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh những hoạt động của Hội còn góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức xã hội về vấn đề này. Việt Nam tham gia vào các hoạt động có tính quốc tế vì người khuyết tật, bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, của trẻ em và là một trong những nước đầu tiên ở khu vực châu Á tham gia vào Công ước bảo vệ quyền trẻ em.

Đáng chú ý, những hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức ngày càng rõ nét khi coi người khuyết tật không chỉ là những đối tượng không may mắn cần được sự trợ giúp, mà họ còn có những quyền bình đẳng để tự vươn lên, tự khẳng định mình, và đóng góp cho xã hội.

“Tôi xin thay mặt Chính phủ một lần nữa đánh giá rất cao và cũng xin cảm ơn tất cả các thế hệ cán bộ, của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, cùng với Đảng, Nhà nước, cùng với toàn xã hội đưa việc bảo trợ, chăm sóc và từng bước để bảo đảm mọi quyền của những người khuyết tật, của những trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, vì sự tiến bộ chung của tất cả các giới. Đây là một trong những yếu tố phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Trao đổi với đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý cần dành sự quan tâm tương xứng đến người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng yếu thế trong quá trình phát triển. Bởi hiện nay cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, gần 400.000 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng rất nhiều báo cáo của các tổ chức và các chuyên gia đã chỉ ra rằng với sức ép của đời sống xã hội ngày hôm nay và với rất nhiều yếu tố khác thì những người khuyết tật về mặt cơ thể cũng sẽ không ngừng tăng lên. Đặc biệt có thể dẫn đến khuyết tật về tâm lý.

“Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt lưu ý trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng tất cả những chương trình hành động để bảo vệ quyền và tạo điều kiện tối đa cho những người khuyết tật, và quan trọng là ngăn ngừa những yếu tố có thể dẫn tới số lượng người khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gia tăng”.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh từ hoạt động từ thiện thuần túy sang hoạt động có tính định hướng là bảo vệ quyền của các đối tượng này. Đây là trọng tâm cần được đặt ra trong những nhiệm kỳ tới đây của Hội. Bên cạnh đó, Hội cần phối hợp với các tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi để làm tốt hơn việc tuyên dương, cổ vũ, động viên họ vượt khó, vươn lên trong cuộc sống để những tấm gương đó được lan tỏa trong cộng đồng người khuyết tật và xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH, các bộ ngành liên quan, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt các Đề án trợ giúp người khuyết tật, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tạo điều kiện để Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia phản biện, xây dựng chính sách, giám sát thực hiện các luật và chính sách của Nhà nước về người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam phát huy truyền thống ''Tương thân tương ái'', ''lá lành đùm lá rách'', tham gia tích cực, hưởng ứng những lời kêu gọi, những phong trào, hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các hội có liên quan nhằm bảo đảm quyền, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

“Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cần dành một phần trách nhiệm cho hoạt động xã hội, đó là hành động thiết thực nhất, giúp xã hội phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển, xây dựng con người Việt Nam, xây dựng nền văn hóa, xã hội Việt Nam an bình, nhân ái”.

Phó Thủ tướng và các đại biểu dự đại hội. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Theo baochinhphu.vn
.
.
.