Trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ

Thứ Năm, 01/04/2021, 17:01
Chiều 1/4, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.


Các đại biểu sẽ thảo luận tại Đoàn về nội dung này. Sáng 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê Quảng Nam, là cử nhân kinh tế, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII. Trước khi làm Thủ tướng, ông đã đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 1/2011. Đến tháng 1/2016, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu và trở thành Thủ tướng đến nay. 

Ngày 24/3, báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von "trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ" và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Với tinh thần bám sát thực tiễn, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách. Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực.

Thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó, đột phá quan trọng, mở đường, là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật. Chất lượng văn bản hướng dẫn được nâng lên; đến nay chỉ còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ.

Chính phủ cũng luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu Nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131).

Đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính "dẫn dắt" cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước. 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư mới, cùng với đó là các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ cũng đã đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất; tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G...

Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay Việt Nam có dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD.

Đồng thời, Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP, được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.

Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Và như ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá, điểm lại lời hứa đó có đi vào thực tiễn hay không thì thấy rằng “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Lê Thu Thủy
.
.
.