Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 16/10/2015, 17:10
Ngày 16/10, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (T.P Điện Biên Phủ), Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Bản đồ và tư liệu trưng bày tại triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Các tư liệu cho thấy, nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Lễ cắt băng khai trương triển lãm.

Triển lãm có nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế, như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương, thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời, ban hành từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20; khẳng định quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn ban hành liên quan trực tiếp đến vấn đề khai thác, quản lý, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều đại này.

Các đại biểu xem triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa
Các em học sinh xem triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: báo Điện Biên Phủ.

Tại buổi triển lãm cũng trưng bày sưu tập gồm 4 tập bản đồ (Alas) và 30 bản đồ do các nhà nước Trung Quốc xuất bản và phát hành chính thức qua các thời kỳ lịch sử cho thấy Trung Quốc không hề quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ gọi là Xisha và Nansha và đòi chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn Atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản (Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, hai bản đồ Trung Hoa Bưu chính dư đồ xuất bản năm 1919 và 1933), đều thể hiện cương giới cực Nam của Trung Quốc luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Thời gian triển lãm còn mở cửa, phục vụ công chúng tham quan, tìm hiểu đến hết ngày 20/10/2015.

Thành Trung
.
.
.