Quốc hội tiếp tục thảo luận về chính sách xử lý nợ xấu:

Tranh luận xung quanh quyền thu giữ tài sản bảo đảm

Thứ Ba, 13/06/2017, 08:44
Là điều khoản “đinh” nhưng quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm vẫn khiến các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn ở phiên thảo luận thứ 2 về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu vào chiều 12-6 tại hội trường. Nhiều đại biểu – nhất là đại biểu khối tư pháp, cho rằng quy định này là không khả thi và không thể áp dụng trong thực tế.


Sẽ phát sinh nhiều tranh chấp khi thu giữ tài sản

Trước các băn khoăn của các ĐBQH về tính hợp hiến, hợp pháp của quy định cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) thu giữ tài sản bảo đảm, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh: Dù Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”, nhưng việc thực hiện Nghị quyết cũng sẽ không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp”. 

Nguyên nhân do việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký.

Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng trong ngày làm việc 12-6.

Tuy nhiên, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh này cho biết, vẫn “chưa yên tâm về việc xử lý tranh chấp và hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản”. Theo ĐB, báo cáo giải trình mới chỉ đúng một phần khi xảy ra tranh chấp giữa TCTD và người vay nhưng thực tế tranh chấp “muôn hình, vạn trạng”, có thể xảy ra giữa người vay và những người liên quan đến tài sản. 

“Nghị quyết giao cho TCTD 1 quyền năng rất lớn, trong khi TCTD không phải cơ quan Nhà nước, không có quyết định hành chính nên sẽ không đặt ra vấn đề khiếu nại - tố cáo. Nhưng vi phạm có thể xảy ra, thậm chí rất nhiều vì trình tự thu giữ Nghị quyết quy định còn rất chung chung – nếu so với thi hành án dân sự. Như vậy, đương nhiên người dân có quyền được yêu cầu xử lý nếu có xâm phạm quyền, như vậy người dân gửi đến dâu, ai đứng ra phân xử đúng sai?” – ĐB Thu Trang nhấn mạnh. 

ĐB cho rằng những gì được giải trình là chưa khả thi, trong khi thực tiễn chắc chắn sẽ diễn ra vì tài sản bảo đảm là bất động sản thường là nơi ở của cả gia đình, nơi sản xuất kinh doanh của cả DN – nghĩa là liên quan đến nhiều người.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) với kinh nghiệm nhiều năm làm thi hành án rất tán thành ý kiến của ĐB Hoàng Thị Thu Trang. ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc ý kiến trên, bởi nếu Nghị quyết có hiệu lực, chắc chắn quyền thu giữ tài sản bảo đảm sẽ được áp dụng rất nhiều mà trong thực tiễn tổ chức thi hành án, cưỡng chế hành chính liên quan đến tài sản, đặc biệt là bất động sản và nhà cửa là rất khó khăn. Nghị quyết giao cho TCTD quyền này nhưng các TCTD khả năng thực hiện được quyền hay không? Mới nhìn thì tưởng như Nghị quyết tạo điều kiện rất lớn và thuận lợi cho TCTD, nhưng khi triển khai sẽ là rất khó. Mặc dù Nghị quyết đã có quy định lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự, nhưng không phải cưỡng chế hình sự, không phải cưỡng chế hành chính sẽ là rất khó”, ĐB nhấn mạnh.

Với cách phân tích như trên, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị nên đổi Điều 7 thành quyền thu nhận tài sản bảo đảm – thay vì thu giữ, và TCTD chỉ được thu nhận khi người đi vay đồng ý hoặc không phản đối, sau đó Tòa án sẽ áp dụng thủ tục rút gọn và các điều khoản trong Nghị quyết để hỗ trợ TCTD thu nhận tài sản. Như vậy, sẽ đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tránh các tranh chấp phát sinh như các ĐB lo ngại.

Về bản chất, vẫn phải dùng đến ngân sách khi xử lý nợ xấu

Những vấn đề đáng chú ý khác được nhiều ĐB góp ý vẫn liên quan đến phạm vi xử lý nợ xấu, nhiều ĐB cho rằng nên “khuôn” lại ở những khoản nợ phát sinh trước 31-12-2016, không nên mở rộng trong suốt quãng thời gian Nghị quyết có hiệu lực để “vô tình trở thành lá bùa chống lưng cho các đơn vị sai phạm, hoặc ít nhất là thiếu trách nhiệm trước đây để xảy ra nợ xấu” – như ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) kiến nghị. 

ĐB cho rằng nghị quyết là thí điểm, là chính sách đặc thù đề giải quyết vấn đề đặc thù là nợ xấu, còn các khoản khác phát sinh, TCTD phải nâng cao trách nhiệm để giảm thiểu và tự xử lý theo các quy định của pháp luật. ĐB cho rằng, việc xác định phạm vi nợ xấu được xử lý là quan trọng, nên đề nghị lấy ý kiến ĐBQH bằng phiếu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ khi trình Nghị quyết ra Quốc hội là giải quyết được các vướng mắc pháp lý (đặc biệt trong xử lý tài sảm bảo đảm). Việc ban hành Nghị quyết không sửa đổi các luật khác, mà được áp dụng như văn bản chuyên ngành. Thống đốc cũng nhấn mạnh Nghị quyết không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD và Ngân hàng Thế giới cũng nhiều lần kiến nghị hệ thống pháp luật Việt Nam phải tăng hơn nữa quyền của bên cho vay. Với những điều ĐB Trang nêu, Thống đốc khẳng định “hệ thống pháp luật Việt Nam đã có đủ quy định hiện hành để xử lý”.

Riêng về phạm vi xử lý nợ xấu, người đứng đầu ngành ngân hàng tiếp tục bảo lưu quan điểm cho xử lý cả những khoản nợ xấu mới phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, bởi với mục tiêu tăng dư nợ cho vay bình quân khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) là 350.000 tỷ đồng; để duy trì mục tiêu duy trì nợ xấu dưới 3% thì tổng số nợ cần xử lý trong 5 năm tới là 640.000 tỷ đồng, như vậy bình quân mỗi năm cần xử lý gần 130.000 tỷ. Nếu chỉ giới hạn nợ xấu ghi nhận tới 31-12-2916 thì nợ mới phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực sẽ vướng về cơ chế xử lý. 

Với đa số ĐBQH tán thành, trong ngày 12-6, Quốc hội đã thông qua chương trình giám sát năm 2018; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc điều chỉnh chương trình kỳ họp từ ngày 16-6 đến hết kỳ.

Vũ Hân
.
.
.