Trăn trở về một kỳ thi quốc gia

Chủ Nhật, 14/09/2014, 14:34
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức phương án tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia bắt đầu từ 2015 tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận bởi tính chất hệ trọng của nó. Bên cạnh nhiều mặt kỳ vọng đạt được, thì cũng còn không ít vấn đề nảy sinh cần sáng tỏ để đạt hiệu quả thiết thực của một chủ trương đổi mới thi cử trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo. Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh kỳ thi quan trọng nói trên.

Tác động tích cực

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định chọn phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu từ 2015, thay cho hai kỳ thi trước đây được coi là quá tốn kém và lãng phí nguồn lực của xã hội. Giáo sư nhận định tác động đổi mới thi cử này như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: Chúng ta đều biết quá chú trọng thi (hơn học) như những năm vừa qua là một sai lầm trong giáo dục, gây nhức nhối trong xã hội. Sau rất nhiều góp ý và sửa đổi, chúng ta mới bỏ được thi tiểu học, thi trung học cơ sở. Và bây giờ, cùng với bỏ chấm điểm tiểu học, việc đổi mới hai kỳ thi quốc gia vốn tổ chức quá gần nhau là điều được cả xã hội quan tâm và hoan nghênh. Về lý thuyết, trước đây hai kỳ nay còn một kỳ thi, giảm việc đi lại đầu tư ôn luyện, thi cử tập trung cho các thí sinh cũng như gây tốn kém cho gia đình và toàn xã hội; thứ hai, có tác động phân luồng học sinh (cho các làn học sinh đạt tốt nghiệp, đi học nghề, làn đủ điểm thì tuyển sinh vào đại học, cao đẳng...) như mục đích đã đề ra...

Tuy nhiên, làm thế nào để một kỳ thi quốc gia mà vẫn bảo đảm nghiêm túc, công bằng, giảm được tốn kém cho gia đình và xã hội mới là điều cả xã hội mong muốn. Thực tế, còn quá nhiều điều nảy sinh chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trước mắt, là làm thế nào để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, điểm của thí sinh công bằng, khách quan giữa các vùng miền? Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào quản lý chặt thì tỷ lệ tốt nghiệp thấp, năm làm lỏng thì tốt nghiệp cao...; hay việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo những tiêu chí nào, quy định ngưỡng điểm xét tuyển ra sao cho công bằng, tránh phiền hà, tiêu cực... cùng nhiều vấn đề đặt ra khác.

Phương án một kỳ thi THPT quốc gia giảm áp lực thi cử cho các em học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.

PV: Giáo sư có thể cắt nghĩa nguyên nhân vì sao việc giảm đi một kỳ thi lại nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết như vậy?

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: Một trong những nguyên nhân căn bản nảy sinh nhiều vấn đề phải giải quyết, là vì mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là hoàn toàn khác nhau. Phổ thông là bậc học phổ cập, cung cấp tri thức chung nhất và tối thiểu cho tất cả người dân, không hạn chế số lượng tốt nghiệp; bậc đại học, cao đẳng là đào tạo chuyên gia, cán bộ chuyên sâu về một nghề, có tính chất cạnh tranh cao và số lượng thí sinh trúng tuyển là hữu hạn; đánh giá tác động của việc gộp hai kỳ thi thành một kỳ thi như thế này không thể chỉ nhìn đơn giản về mặt số học, mà phải thấy hết tác động của nó tới thực tiễn về nhiều phương diện. Phải tính đúng, tính đủ chi phí của gia đình và toàn xã hội cho giáo dục, so với kết quả chất lượng thực của nguồn nhân lực, nhân tài,... thì mới rõ hiệu quả đích thực của một chủ trương.

Logic học và thi

PV: Nhưng ít nhất phải có những động thái đổi mới, mới mong giáo dục chuyển động theo hướng tích cực, thì ở đây Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu đổi mới từ một kỳ thi, Giáo sư nghĩ sao?

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: Từ lâu tôi luôn ủng hộ đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới thi cử như đã nói ở trên. Nhưng tôi luôn nhất quán, nên sớm bắt đầu từ đổi mới việc học (chương trình-sách giáo khoa), đội ngũ truyền tải (giáo viên), rồi mới đến đổi mới cách thi cử, sẽ thuận hơn, hợp với logic. Bằng chứng thuyết phục nói lên việc thực hiện theo trình tự logic đó thành công, chính là từ thực tiễn cách đây 600 năm khi học chữ nho qua sách “Tứ thư-Ngũ kinh”, chúng ta chưa có thầy, chưa có trường, chỉ người biết dạy người chưa biết, Nhà nước tổ chức thi cử mà vẫn có nền giáo dục; trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giáo dục gặp muôn vàn khó khăn về nhiều mặt, nhưng với bộ sách giáo khoa chuẩn của Giáo sư Nguyễn Văn Chiển và Giáo sư Hoàng Tụy (ở miền Bắc), chúng ta vẫn có phong trào dạy tốt, học tốt rất thực chất, cho “ra lò” hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành có tên tuổi đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học nước ta, cùng hàng triệu lao động có chất lượng... Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh, cả ba yếu tố nền tảng quan trọng của giáo dục nói trên, được coi trọng ở mọi quốc gia, mọi thời đại, thì ở ta ba yếu tố đó đều đang gặp vấn đề nghiêm trọng phải giải quyết. Điều quan trọng, đổi mới khâu nào, bắt đầu từ yếu tố nào cũng phải nằm trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo mới thành công, tránh được lãng phí.

PV: Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, một kỳ thi THPT quốc gia theo phương án ba môn bắt buộc và một môn tự chọn sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh, vẫn khuyến khích học sinh học đều, phù hợp với chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn, là “học gì, được đánh giá nấy...”. Giáo sư có bình luận gì thêm?

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: Giảm áp lực thi cử thì rõ, vì đã bỏ đi một kỳ thi. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở hình thức “học gì, được đánh giá nấy” theo phương án một kỳ thi quốc gia này, mà quan trọng là qua đổi mới thi cử đó có tạo được tác động trở lại tới người học để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo (cụ thể là chất lượng nguồn nhân lực) hay không thì cần phải làm rõ. Ở đây, chúng ta đang cần đổi mới chương trình-sách giáo khoa để khắc phục nền giáo dục tụt hậu, thì việc tổ chức một kỳ thi phù hợp với chương trình sách giáo khoa và tình hình thực tế đó sẽ không có nhiều ý nghĩa cho đổi mới giáo dục, mà mới chỉ làm giảm áp lực cho học sinh trong thi cử và giảm chi phí cho xã hội mà thôi. Hơn nữa, bản thân chương trình phân ban thực tế cho thấy là không thành công, và cũng chưa có một tổng kết thấu đáo.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn!

Sẽ phải thêm một kỳ kiểm tra vào đại học

Xung quanh việc thực hiện phương án một kỳ thi THPT quốc gia, còn nhiều trăn trở của bạn đọc và các nhà chuyên môn, như nội dung đề thi như thế nào để đáp ứng cùng lúc yêu cầu tốt nghiệp lẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng; tổ chức thi ra sao đảm bảo thực chất và công bằng; các thí sinh trượt các năm trước sẽ phải thi bổ sung ra sao... Và liệu các trường đại học, cao đẳng có phải tổ chức thêm một kỳ thi tuyển nữa hay không nếu lượng thí sinh đăng ký vào trường quá đông?

Tiến sĩ Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội trả lời phóng viên Báo CAND: Chắc chắn phải tổ chức thêm kỳ kiểm tra để lọc thí sinh một lần nữa, vì nếu chỉ căn cứ vào kết quả của kỳ thi này thì không thể phân loại học sinh được. Có nhiều hình thức kiểm tra, như qua xét học bạ, phỏng vấn trực tiếp, xét điểm theo từng môn thi... nhằm phân loại học sinh. Theo Tiến sĩ Thành, vấn đề là phải tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc, tạo được kết quả tin cậy. Nếu không, sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy mà dễ thấy là tỷ lệ tốt nghiệp sẽ thấp trông thấy, bởi đề thi buộc phải có tính phân loại cao.

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.