Trái chiều cũng nhìn trực diện

Thứ Tư, 04/12/2013, 11:06
Không ngoài tiên liệu, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua bản Hiến pháp 1992 sửa đổi, trên mạng internet tiếp tục xuất hiện những bài viết, diễn đàn đả phá và tái lập luận điệu sáo, cũ. Cụ thể, một số bài viết xoáy theo kiểu: Hiến pháp chỉ là “bổn cũ soạn lại”, “không dân chủ”, “không giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân”, kèm theo đó là việc rỉ rả lại “thuyết chống đối” như đòi gỡ bỏ các điều quy định về Nhà nước pháp quyền, vai trò của Đảng, vai trò lực lượng vũ trang, các chế định Quốc hội, Chính phủ... Một số bài viết đã cho thấy sự tù mù về thông tin khi nói rằng, các ý kiến góp ý không được giải trình, tiếp thu và ban soạn thảo “áp đặt ý kiến”.

Thực tế, cho tới trước khi trình bản dự thảo lần cuối để Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đã rất nhiều lần có báo cáo giải trình, tiếp thu. Sau hơn 3 tháng lấy kiến nhân dân, Ủy ban đã giải trình, tiếp thu với bản báo cáo dài tới 150 trang. Thời gian tiếp theo, sau mỗi phiên họp Quốc hội tại tổ, thảo luận tại hội trường, Ủy ban tiếp tục có các báo cáo giải trình. Việc giải trình, tiếp thu được giải thích rất rõ ở từng điều, khoản, từng nội dung. Tính khoa học, khách quan còn thể hiện ở chỗ, bất luận ý kiến góp ý thuộc về số đông hay chỉ là ý kiến thiểu số, ý kiến trái chiều, ý kiến ngược với nguyện vọng của người dân,       

Ủy ban DTSĐHP đều có giải thích rất rõ, lý giải ưu, nhược điểm từng ý kiến. Nếu không tiếp thu cũng được lý giải rõ vì sao, căn cứ khoa học nào.

Cá biệt, có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vì cho rằng quy định như vậy mới bảo đảm dân chủ. Trước vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP không hề “né” trả lời như một số thông tin cố ý áp đặt. Ngược lại, Ủy ban DTSĐHP nêu rất rõ trong bản giải trình, tiếp thu với các lập luận chặt chẽ, khoa học. Ủy ban chỉ rõ: “Về thực tiễn, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi vì, ở nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn mang tính lịch sử và phù hợp với thực tế, hoàn cảnh xã hội nước ta”.

Cũng theo Ủy ban DTSĐHP, trên thế giới, tuy có nhiều nước tuyên bố theo chế độ đa đảng chính trị, nhưng thực chất vẫn chỉ là đảng đại diện cho một lực lượng xã hội duy nhất là giai cấp tư sản mặc dù các đảng này có thể có các tên gọi khác nhau. Các đảng thay nhau lãnh đạo đất nước, cùng bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản. Tuy thế, giữa các đảng phái này cũng luôn có sự tranh chấp quyền lợi với nhau (thực chất là sự tranh chấp giữa các nhóm lợi ích, giữa quyền lợi của các nhóm tư bản trong từng ngành, từng lĩnh vực) và điều này thường dẫn đến tình trạng bất ổn về chính trị trong nội bộ đất nước, cản trở sự phát triển chung của xã hội. “Do vậy, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội” - Ủy ban khẳng định.

Ủy ban cho biết, có ý kiến còn lập luận rằng, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp có thể khiến cho Đảng chủ quan, tự mãn, từ đó dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, xa dân, mất dần đi sự ủng hộ của nhân dân, thậm chí đối lập lại với lợi ích của nhân dân... Trước ý kiến như vậy, Ủy ban DTSĐHP đều tập hợp đầy đủ và được giải trình rất thẳng thắn, không hề “úp mở” như cáo buộc một số thông tin. Cụ thể, Ủy ban DTSĐHP phân tích rõ: “Quy định về Đảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Đảng trong việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, đồng thời cũng là cơ sở ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với Đảng. Quy định này của Hiến pháp không chỉ xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, với nhân dân, nhắc nhở Đảng phải luôn trung thành với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phụng sự nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”.

Về Quốc hội, những ý kiến ngược chiều như đề nghị quy định mô hình Hạ viện, Thượng viện, ban soạn thảo cũng đều đưa vào báo cáo giải trình. Về lý do không tiếp thu, Ủy ban chỉ rõ: Quốc hội nước ta được tổ chức theo truyền thống Quốc hội một viện. Lịch sử lập hiến Việt Nam cho thấy, vấn đề Quốc hội một viện hay hai viện đã được đặt ra thảo luận trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, sau khi thảo luận các phương án, các nhà lập hiến Việt Nam đã chọn mô hình Quốc hội một viện. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta trong giai đoạn vừa qua đã chứng minh cho thấy tính đúng đắn của sự lựa chọn này...

Đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau, trước khi xem xét đưa hay loại ra khỏi dự thảo, Ủy ban DTSĐHP đều phát phiếu lấy ý kiến đại biểu. Điều này thể hiện cách làm việc rất cầu thị, khách quan, hoàn toàn không phải áp đặt chính kiến của ban soạn thảo như một số thông tin vu cáo. Chẳng hạn, liên quan chế định Hội đồng Bảo hiến, đoàn thư ký kỳ họp cho biết, trong số 30 ý kiến tại tổ bàn về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, có tới 28 ý kiến tán thành không quy định Hội đồng Hiến pháp (Hội đồng Bảo hiến), chỉ có 2 ý kiến đề nghị thành lập. Khi phát phiếu xin ý kiến, phần lớn cũng đề nghị không thành lập mô hình này.

Như vậy, các ý kiến dù thuận chiều hay trái chiều, dù thuộc về số đông hay thiểu số, kể cả ý kiến cá biệt, đều được ban soạn thảo tập hợp và có giải trình rõ ràng, thẳng thắn. Còn tất nhiên, chỉ với những ý kiến đủ tính khoa học, thực tiễn mới tiếp thu. Trước bất cứ việc gì, chưa nói việc hệ trọng như lập, sửa Hiến pháp, hiển nhiên không phải mọi ý kiến cứ góp ý là đưa sửa ngay, cái đó chỉ có trong tiếu lâm “đẽo cày giữa đường”. Cũng như ở Mỹ, sửa đổi Hiến pháp cũng chặt chẽ và tuân thủ nghiêm quy trình quy định tại điều 5: “Khi hai phần ba thành viên của hai Viện đều xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, sẽ triệu tập một Hội nghị để đề xuất những điều sửa đổi”. Theo đó, những ý kiến trái với nguyện vọng của người dân Mỹ, chính quyền Mỹ, đương nhiên bị loại bỏ

N.T.T.
.
.
.