Trách nhiệm phát ngôn

Chủ Nhật, 17/11/2013, 13:17
Nhân bốn vị “tư lệnh” ngành chuẩn bị trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần tới, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” dành cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về trách nhiệm phát ngôn của đại biểu để góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
>> Bộ Công an ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Nếu Việt Nam không đổi mới, chắc chắn gặp khó khăn. Chắc hẳn Quốc hội cũng cảm nhận được điều này...; 10 đại án tham nhũng, vào tay tôi, chỉ 3 tháng là xử xong; Lâu nay mọi thất thoát lãng phí hay tham ô ngân sách Nhà nước chỉ dồn hết trách nhiệm vào Chính phủ, Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn tự cho mình vô can trong những sai phạm của bộ máy hành pháp...

Không ít phát ngôn của các đại biểu trên diễn đàn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII gây ấn tượng đặc biệt với cử tri. Nhưng cũng còn đại biểu rất ít phát biểu thậm chí không phát ngôn qua nhiều kỳ họp...

Nhân bốn vị “tư lệnh” ngành chuẩn bị trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần tới, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” dành cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về trách nhiệm phát ngôn của đại biểu để góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Trần Du Lịch, một điều dễ thống nhất là chất lượng hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào đóng góp của từng đại biểu Quốc hội mà nổi lên là phát ngôn của đại biểu trước những vấn đề nghị sự. Nhưng thực tế như báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội 6 tháng đầu năm 2013, vẫn có đại biểu chưa “tròn vai” người đại diện cho cử tri mà cụ thể là rất ít phát biểu. Ông bình luận gì về việc này?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Tôi cho rằng được cử tri tin cậy thì phải làm tròn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Muốn thế, đại biểu phải lắng nghe ý kiến của cử tri, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ bằng nhiều kênh, nhiều biện pháp.

Đây là hành trang quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội. Sau đó, người đại diện cho cử tri phải nói lên chính kiến của mình qua các kỳ họp, thảo luận tại tổ, hoặc bày tỏ chính kiến khi Quốc hội yêu cầu.

Đại biểu cũng có thể góp ý bằng văn bản đối với các vấn đề quan trọng như dự án luật, dự án công trình quan trọng đặc biệt về ANQG, kinh tế - xã hội... Đại biểu cũng có thể thể hiện chính kiến của mình qua việc ấn nút, bỏ phiếu khi Quốc hội yêu cầu. Dĩ nhiên tất cả những hình thức tham gia đó phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Rất nhiều đại biểu đã thể hiện chính kiến của mình qua phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng có thể còn một số đại biểu lựa chọn kênh khác để bày tỏ quan điểm, mà cử tri không có điều kiện biết đến.

Thực tế, việc “xếp hàng” đề nghị phát biểu trước Quốc hội cũng vất vả lắm, vì số lượng đại biểu đăng ký đông. Nhưng nếu không có điều kiện phát biểu trên hội trường, mà tại tổ thảo luận cũng không phát biểu nữa, thì rõ ràng là chưa tròn vai rồi.

PV: Có một tiền lệ các đại biểu Quốc hội tạo ra được cử tri ghi nhận, đó là những phản biện khoa học đầy tính thuyết phục chưa nên thông qua dự án đường sắt cao tốc đã tránh cho đất nước bớt khó khăn trong giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới suy thoái. Tinh thần ấy rọi vào cuộc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội kỳ này, như ông nói là “bệnh nặng mà nói nhẹ thì làm sao bốc đúng thuốc”.

Theo ông, đại biểu Quốc hội cần phải làm gì để báo cáo thực chất hơn, đúng với thực trạng kinh tế đất nước?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Lựa chọn vấn đề phát biểu, cách phát biểu trúng vấn đề mà công luận quan tâm mới là quan trọng. Tôi không nghi ngờ các số liệu trong báo cáo, ngoại trừ con số về thất nghiệp và việc làm. Bởi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, vốn đầu tư toàn xã hội giảm... mà tỷ lệ tạo việc làm tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm là khó có cơ sở.

Ở đây có vấn đề con số Chính phủ đưa ra nhưng còn thiếu sự phân tích. Chẳng hạn, chúng ta kiềm chế được lạm phát nhưng đã phải hy sinh cái gì, bao nhiêu doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động... để thấy rõ bức tranh kinh tế - xã hội (điều này đại biểu Quốc hội phải góp phần làm rõ qua những phản biện).

Khắc phục tình trạng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tập hợp các chuyên gia kinh tế, phân tích tình hình, cung cấp cho các đại biểu Quốc hội trước mỗi kỳ họp. Nhưng vì nhiều lý do, một số đại biểu chưa có điều kiện hiểu sâu để thực hiện trách nhiệm cho tốt.

PV: Theo dõi qua các kỳ họp, cử tri phản ánh nhiều đại biểu phát ngôn còn mang tính thuận chiều, ít có phản biện, thành ra quyền giám sát của Quốc hội khó thực hiện được triệt để. Vì thế thực tế đã “lọt lưới” những vấn đề lớn mà sau này dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, như vụ Vinashin, Vinalines, vấn đề quy hoạch thủy điện hay trồng cây cao su diện rộng ra phía Bắc và miền Trung mới đây.

Để góp phần tránh lặp lại những vụ việc như Vinashin, cần sự giám sát của các đại biểu Quốc hội và báo chí. (Ảnh minh họa: Duy Hiển)

Trách nhiệm phát ngôn của đại biểu trước những vấn đề quan trọng của đất nước nên thực hiện ra sao để hạn chế hậu quả không mong muốn, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao theo quy định của pháp luật, chứ không phải cái gì cũng giám sát. Nhưng theo tôi, những vấn đề quan trọng như thảo luận ngân sách, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội (nổi lên như nợ xấu...) thì cần phải tranh luận từng vấn đề cho thật thấu đáo, thậm chí qua nhiều phiên họp, tránh chỉ đọc thông qua như trước đây.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và bản thân tôi đã nhiều lần góp ý với Quốc hội cần phải thay đổi cách đóng góp ý kiến vào những vấn đề này. Vấn đề thủy điện, cây cao su ra phía Bắc, nếu thảo luận kỹ lưỡng, dành đủ thời lượng cho các nhà khoa học phản biện thì chắc chắn sẽ có cách đặt vấn đề đúng đắn, không phải loại hàng trăm thủy điện cùng nhiều hệ lụy khác như vừa qua.

PV: Tham nhũng đang là quốc nạn, nhưng kết quả đấu tranh như Chính phủ đánh giá là chưa đạt như mong muốn. Đại biểu Đỗ Văn Đương có phát biểu chỉ cần 3 tháng là xử xong 10 đại án tham nhũng.

Theo ông, Quốc hội có cần ban hành cơ chế đặc biệt để giải quyết án tham nhũng như ý tưởng qua phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải giải quyết tận gốc vấn đề chính là kẽ hở do thể chế tạo ra. Tại sao tham nhũng quá dễ trong khu vực kinh tế Nhà nước mà không phải là khu vực tư nhân (như vụ mua tàu Hoa Sen, mua ụ nổi)...?

Chúng ta phải ban hành đạo luật quản lý vốn kinh doanh của Nhà nước, xác lập mối quan hệ giữa chủ sở hữu là Nhà nước với người quản lý doanh nghiệp (chủ tịch HĐQT, giám đốc...); thứ hai, là phải công khai, minh bạch hoạt động tài chính của Nhà nước, của doanh nghiệp để từ đó ai nhìn vào cũng thấy ngay cái sai, cái đúng. Như thế, mới tránh được tham nhũng; thứ ba, là cơ chế hành chính giữa cá nhân với tập thể phải rất rõ ràng, minh bạch.

Chẳng hạn, trong quản lý ngân sách, cái nào thuộc ngân sách Trung ương và ai chịu trách nhiệm, cái nào thuộc ngân sách địa phương và ai chịu trách nhiệm, phải rõ ràng mới dễ truy cứu trách nhiệm.

Vì có lỗ hổng thể chế, dẫn đến lỗ hổng trách nhiệm; từ lỗ hổng trách nhiệm dẫn đến tham nhũng. Điều này trả lời câu hỏi, vì sao chúng ta không ngừng hoàn thiện các đạo luật mà tham nhũng thì vẫn không giảm.

Việc giải quyết các vụ việc tham nhũng thời gian qua chỉ là cắt phần ngọn, chưa phải giải quyết gốc vấn đề. Ở đây, thêm một ví dụ những kẽ hở về thể chế. Chẳng hạn, ngay giữa các cơ quan tố tụng cũng có cách nhìn, cách định tội khác nhau về cùng một vấn đề, một vụ việc.

Hay như một số vụ việc nổi cộm, lẽ ra phải làm nhanh chóng đáp ứng mong mỏi của nhân dân, tranh thủ sự đồng tình của quần chúng tạo thế đẩy lùi tham nhũng tiêu cực, thì chúng ta lại xử lý kéo dài.

Tôi xin nhấn mạnh, cái gốc vấn đề vẫn là hoàn thiện thể chế để không còn kẽ hở cho tham nhũng có đất sống, mới thành.

PV: Thưa ông, kỳ họp Quốc hội lần này đúng vào dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo trình dự án đổi mới căn bản giáo dục đào tạo vốn rất yếu kém. Nhưng phát biểu của các đại biểu có cảm giác như dung lượng bàn về vấn đề quan trọng này không đủ, chưa tới.

Vậy đại biểu Quốc hội kỳ này cần tỏ thái độ như thế nào để yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục đào tạo trở thành hiện thực, chuyển biến về chất so với cải cách giáo dục trước đây?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Đề án đổi mới căn bản giáo dục đào tạo đáng lẽ phải lấy ý kiến toàn dân, phải coi trọng như chúng ta lấy ý kiến góp ý vào sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai, vì giáo dục đào tạo là quốc sách lớn. Từ khi bàn Luật Giáo dục đại học, nhiều ý kiến phát biểu đáng ra là để Trung ương ra nghị quyết về đổi mới giáo dục đã, rồi chúng ta mới bàn tới Luật Giáo dục đại học, thì chúng ta lại làm ngược lại.

Bây giờ, với việc đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, tôi cho rằng chúng ta không dừng ở đây, mà phải cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa đề án đổi mới đó, rồi lấy ý kiến nhân dân góp ý vào như góp ý với Luật Đất đai, với sửa đổi Hiến pháp.

Bởi lẽ, giáo dục đào tạo gắn bó với việc thành công hay không thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm các nước đi trước và đã thành công, không phải họ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu là dựa vào tài nguyên con người qua giáo dục đào tạo, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là những ví dụ điển hình.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Du Lịch đã dành cho cuộc trao đổi này!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.