Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Thứ Năm, 07/04/2005, 07:41
Trong xã hội hiện đại, nhiều khi người ta quá chú trọng hình thức mà coi nhẹ bản chất, cái cốt lõi vấn đề. Trong thi cử, người ta cố sao để thi đậu, thi đỗ bất kể trường nào để dán mác sinh viên. Rồi chuyện tuyển dụng nhân sự cũng nặng nghĩa nhẹ tài. Trong đời sống nghệ thuật thì hát hay không bằng có ngoại hình đẹp…

Kỳ thi đại học 2005 đang đến gần, thời gian này, các sĩ tử nô nức nộp hồ sơ quyết tâm "leo" qua cổng trường đại học. Với những người có học lực làng nhàng, thi đại học không phải là áp lực và việc đỗ một trường đại học công lập hay dân lập thì cũng giống nhau cả thôi. Vấn đề quan trọng nhất đối với họ là việc chọn nguyện vọng.

Thường thì những trường được liệt vào hàng "top" như Đại học Y, Đại học An ninh… họ không bao giờ dám màng tới, "chiến thuật" sẽ chuyển sang "tấn công" vào các trường có truyền thống lấy điểm sàn không cao. Và, vấn đề thi đại học hôm nay, có người bảo: Khéo chọn trường thì đỗ!

"Học tài thi phận" - câu nói này thật đúng với chính sách tuyển sinh đại học xét theo nguyện vọng đang hiện hành. Bởi có rất nhiều thí sinh bài thi đạt điểm cao nhưng cuối cùng vẫn trượt chỉ vì không biết đăng ký nguyện vọng, trong khi nhiều người đạt điểm thấp hơn nhưng lại ung dung trở thành sinh viên.

Tôi lại nhớ, mùa tuyển sinh năm 1996, lứa chúng tôi đi thi vào trường ĐHNV, anh nào cũng đăng ký ngành học có "tiếng" nhất và tất nhiên, những ngành được quảng cáo sau này sẽ hái ra tiền đó có điểm xét tuyển cao hơn rất nhiều so với các ngành học được truyền miệng là ra trường sẽ thất nghiệp. Thế nhưng, cuối cùng người đỗ khoa danh giá cũng lại học cùng với những người đỗ vớt của các khoa làng nhàng khác. Và, chúng tôi được gọi chung một cái tên là "sinh viên đại học đại cương". Tôi không hiểu, nếu đã đặt ra vấn đề lựa chọn người giỏi thì tại sao cuối cùng lại vẫn đánh đồng vàng với thau? Và, việc phân khoa như thế phỏng có ích gì.

Việc xét tuyển nguyện vọng bây giờ cũng thế. Đôi khi, người có tài thực sự thì bị bỏ quên, còn người không giỏi lại được trưng dụng nhờ phần lớn vào vận may. Có vẻ như chính sách tuyển sinh hiện nay chỉ để nhằm đáp ứng cho một vài tiêu chí nào đó, mang nặng tính hình thức, như việc lấy cho đủ chỉ tiêu. Nó cũng giống như chuyện cuối năm, người ta báo cáo lên trên 100% học sinh lên lớp, trong khi có những em vẫn cầm… sách ngược. Chỉ tiêu là cái gì mà nhiều người (không chỉ trong ngành Giáo dục) sợ đến vậy?

Cách đây chục năm, nhà nào có con cái đỗ đại học thì mát mặt lắm. Thậm chí, có làng, có xã còn miễn nhiều khoản thu đối với các gia đình có con học đại học. Còn bây giờ, sinh viên đại học nhiều vô kể, việc đa dạng hoá các trường đại học đồng nghĩa với những "sản phẩm" họ cho ra lò cũng "đa dạng" như thế. Một bài học vẫn còn mới về việc tuyển cho đủ chỉ tiêu, trong đó người ta sẵn sàng nâng điểm thi từ 2 lên 8 ở trường Đại học Dân lập Đông Đô hẳn chưa ai có thể quên, đến bây giờ vẫn là nỗi đau xót không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là nỗi lo đối với tất cả những người có tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

"Người ta có ba tay thì cũng không bằng có một cái đầu tốt"! Tiếc rằng, còn một số ngành, cơ quan hiện vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng ấy. Tàn dư của những quan điểm bao cấp, dựa dẫm còn nặng nề, chính sách trọng dụng nhân tài dường như vẫn còn nhiều bất cập. Thói quen nể nang, đóng cửa bảo nhau đã kéo theo những hệ lụy không dễ gì khắc phục một sớm một chiều. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng lại đổ hết lỗi cho công nhân, nhiều cuộc "thay máu" được thực hiện nhưng thử hỏi điều đó có ích gì khi vẫn "cái đầu" ấy chỉ đạo.

Trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, như lĩnh vực ca nhạc cũng vậy, tiêu chí đầu tiên của ca sĩ bây giờ là phải có ngoại hình đẹp, giọng ca chỉ là thứ phụ. Biết hát… đúng nhạc, có ngoại hình đẹp, thế là thành ca sĩ. Bằng chứng là có vô số người mẫu, diễn viên trong một phút cao hứng bỗng đổi nghề ca sĩ. Những người có tài năng thực sự trong các lĩnh vực nghệ thuật khác thật khó mà mơ được độc diễn hàng mấy tiếng đồng hồ trên truyền hình như họ. Mới thấy lâu nay, nhà đài quá ưu ái cho những ca sĩ kiểu này. Họ xuất hiện bất kể ở chương trình giải trí nào, chưa nổi tiếng thì được giới thiệu vô thưởng vô phạt là giọng ca triển vọng…

Tục ngữ có câu "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Chân lý ấy không bao giờ thay đổi và trong thời buổi hiện đại, rạch ròi mọi sự như hôm nay thì bài học ấy càng đúng

Trường Vũ
.
.
.