Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015):

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bước ngoặt phát triển của kinh tế Việt Nam

Chủ Nhật, 28/06/2015, 09:06
Một trong những đóng góp quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đó chính là các quan điểm chỉ đạo, những việc làm sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với các giai đoạn bước ngoặt phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh những công việc quan trọng khác, Trung ương Đảng rất quan tâm đến việc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản ở miền Nam.

Từ tháng 4/1977, với tư cách là Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định rõ quan điểm: “Vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh là cần thiết vì muốn đưa nền kinh tế phát triển thì nhất thiết phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy, thay đổi cơ cấu. Nhưng không phải ai cũng cải tạo. Đảng chủ trương chỉ quốc hữu hóa những cơ sở trước đây phục vụ cho chiến tranh và chỉ cải tạo những tư sản mại bản đã làm giàu bất minh do quyền lợi họ gắn liền với guồng máy chiến tranh xâm lược của Mỹ. Còn những thành phần khác: tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ thì Đảng luôn luôn khuyến khích hỗ trợ cho họ phát triển sản xuất, xây dựng đất nước”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên trì xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận thấy rằng một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của ta khi đó đã lỗi thời, chậm sửa chữa, làm giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở để phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho tình hình sản xuất bị sa sút, đình trệ; có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây ra nhiều thiệt hại.

Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai, tháng 12/1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo thành phố đã chú trọng đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, kiên quyết sửa đổi và điều chỉnh kịp thời. Đồng chí nói: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó”. Và muốn sản xuất “bung ra” thì các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp.  

Sau khi nắm bắt tình hình, đồng chí quyết định xây dựng mô hình thí điểm, nơi được chọn là Xí nghiệp Dệt Thành Công, rồi đến Công ty Lương thực thành phố... Sản phẩm của các đơn vị này làm ra không chỉ Nhà nước bao tiêu mà còn được bán tự do trên thị trường theo giá bảo đảm kinh doanh.

Qua nghiên cứu khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất”.

Đồng chí đã đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng điển hình, đồng thời mở rộng cơ chế tự chủ ra nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau, cũng như phát triển ra ngoài phạm vi thành phố bằng việc liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài...

Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đồng ý về việc thành lập Câu lạc bộ giám đốc - một hình thức sinh hoạt diễn đàn nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh. Tháng 7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho một số giám đốc các xí nghiệp năng động, sản xuất kinh doanh có hiệu quả được gặp gỡ, báo cáo trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước về tình hình sản xuất kinh doanh và đề đạt nguyện vọng của cơ sở mình.

Qua nghe báo cáo và trực tiếp đi thực tế cơ sở, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương đã thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, dứt khoát thực hiện đổi mới cơ chế. Đây chính là bước tổng kết thực tiễn rất quan trọng có thêm cơ sở vững chắc để Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Một bước ngoặt mới đã mở ra cho cách mạng Việt Nam, trong đó có phần đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành, quan điểm về xây dựng một nền kinh tế hàng hóa với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ phương thức quản lý hành chính bao cấp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hình thành rõ dần. Ngay sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh ngỏ ý muốn đi thăm một số cơ sở sản xuất kinh doanh. Có một số người khuyên nên đi thăm xí nghiệp quốc doanh hay tập thể để biểu thị thái độ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Đồng chí nói rằng: “Chương trình đi thăm có cơ sở quốc doanh và tập thể, nhưng nói để biểu thị thái độ chính trị của chúng ta thì không chuẩn. Thái độ chính trị của chúng ta không chỉ bó hẹp ở hai thành phần kinh tế, mà là các thành phần kinh tế, trong đó có các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”. Sau đó, chương trình Tổng Bí thư thăm các cơ sở kinh tế, có cả cơ sở tư nhân dệt lụa ở quận Đống Đa, các hộ gia đình và tập thể sản xuất gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm... Đồng chí cho rằng: “làm kinh tế thị trường mà không có thị trường là bế tắc”.

Do đó, các cơ sở quốc doanh, trước hết là các giám đốc phải năng động, làm quen với thị trường, làm ra hàng hóa hợp thị hiếu người tiêu dùng, lấy chất lượng cao và giá thành hạ làm mục tiêu phấn đấu để tồn tại và phát triển. Đồng chí gợi ý việc mở rộng xí nghiệp cổ phần để huy động vốn và tạo điều kiện cho mọi công nhân có cơ hội tham gia quản lý, làm chủ nhà máy.

Nhờ phương hướng đổi mới do Đại hội VI đề ra, tình hình kinh tế - xã hội đã mở ra một bước mới, kinh tế có phát triển, không khí xã hội cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 1986 lạm phát lên mức ba con số,  nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đình đốn, thua lỗ, có nơi phải đóng cửa, đời sống công nhân, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng một bộ phận cơ sở sản xuất vẫn còn “lời giả, lỗ thật” diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho những tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, tiêu cực nảy sinh... gây mất lòng tin của nhân dân.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương quyết tâm thực hiện đổi mới kinh tế theo đường lối Đại hội VI đề ra. Tập trung sức đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy tổ chức cho gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực.

Với việc coi trọng tổng kết thực tiễn, nắm vững lý luận kinh tế, đổi mới từng bước, từ sau Đại hội VI của Đảng, kinh tế nước ta từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cùng với nhiều cống hiến khác, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo đối với những bước phát triển của nền kinh tế nước nhà, tạo nên thành quả nổi bật, để lại ấn tượng sâu đậm trong đồng bào, đồng chí cả nước.

Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015), ngày 27/6, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã khai mạc Triển lãm ảnh “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo”.

Đến dự có đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Triển lãm diễn ra tại hai địa điểm: Nhà Văn hóa Thanh niên và tuyến đường Nguyễn Huệ (quận 1). Triển lãm trưng bày 78 bức ảnh kèm trích dẫn, chú thích nhằm khái quát về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn, quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5/7.(Q.Nga)
THS Đinh Ngọc Quý
.
.
.