Khẩn cấp đối phó với "bão chùm" đổ bộ Việt Nam

Chủ Nhật, 16/10/2016, 17:57

Trong khi 4 tỉnh miền Trung đang “gồng mình” khắc phục hậu quả mưa lũ thì cơn bão số 7 đang “ngấp nghé” đổ bộ. Chiều ngày 16-10, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp khẩn dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. 


Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ông Hoàng Đức Cường, bão Sarika có tốc độ di chuyển nhanh từ 15-20km/h, tới quần đảo Hoàng Sa với cấp 14, giật cấp 17, sau đó sẽ di chuyển chậm lại. 

“Tới khoảng trưa 19-10 bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ, cường độ cấp 12, 13 và nhiều khả năng bão giảm 1-2 cấp khi vào đất liền. Đây là cơn bão mạnh, đổ bộ nhanh cơn bão Sakira có lượng mưa không lớn, trong 1, 1,5 ngày thấp hơn rất nhiều so với đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua”, ông Cường nhận định.  

Về khu vực đổ bộ của bão, phạm vi dự kiến trước 3 ngày có thể là từ Đông Bắc tới Trung Trung Bộ, từ Hải Phòng tới Quảng Bình. Vùng ảnh hưởng khoảng 200km về phía Bắc và phía Nam của cơn bão. 

Mưa chủ yếu nằm khu vực phía Bắc của cơn bão với mức từ 200-300mm. Tới thời điểm này dự kiến mưa tập trung nhiều nhất là từ Nghệ An trở ra Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. 

“Các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình có thể mưa ít hơn dù có thể là trọng tâm đổ bộ của bão. Sarika là cơn bão rất nguy hiểm, mạnh nhất trong 10 năm gần đây trên biển có thể ảnh hưởng tới đất liền. Bão Sơn Tinh năm 2012 cũng có cấp gió 10-12 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tỉnh ven biển, cơn bão Sarika hy vọng đi thẳng vào bờ biển sẽ bớt ảnh hưởng hơn bão Sơn Tinh”, ông Cường phán đoán. 

Đáng lo ngại, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện đơn vị này đang tiếp tục theo dõi một cơn rất mạnh (tên quốc tế là Hải Mã) có khả năng đạt cấp siêu bão đang ở ngoài khơi Phillipines.  

Siêu bão Hải Mã ngoài khơi Philiipines 

Trong khi đó, mưa sau áp thấp nhiệt đới vừa qua đã khiến 21 người chết tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế và 8 người mất tích. 

Theo thống kê của Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13-10 đến sáng 16/10, mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng diện rộng, nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình đã bị ngập nhiều đoạn, cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước. 

Thiệt hại bước đầu tính đến ngày 16-10 bao gồm:  21 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 15 người, Huế 2 người); 8 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 7 người)...

Ngoài ra, tổng số nhà ngập, hư hỏng 100.383 nhà  Hiện tại, tỉnh Quảng Bình hiện vẫn còn hơn 20.000 hộ dân vẫn bị ngập và hơn 1.000 hộ bị ngập sâu từ 1-2m nước.

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hà Tĩnh đang lụt ở phía Tây và phải chuẩn bị phương án di dời dân ở vùng trọng yếu khi được thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về vùng nguy hiểm của bão Sarika.  

“Mưa ở vùng đang bị lụt chắc chắn sẽ xuất hiện lũ quét, nước lũ dâng lên cao nên tỉnh đã có phương án. Tại cuộc họp hiện tại, Hà Tĩnh đã mời tất cả bí thư, chủ tịch các địa phương về họp luôn để sau khi Phó Thủ tướng chỉ đạo xong, tỉnh sẽ triển khai sát với thực tế địa phương”- ông Khánh cho biết.

Người đứng đầu chính quyền Hà Tĩnh đề nghị sự phối hợp, hỗ trợ của Quân khu 4 để sẵn sàng chuẩn bị lực lượng đối phó với bão mới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, dự báo không những bão sẽ đi vào nước ta mà còn có vùng ảnh hưởng rất lớn. 

Ông Cường biểu dương các lực lượng cùng lúc ứng phó xử lý của đợt áp thấp nhiệt đới tới 4 tỉnh miền Trung rất nặng nề, nhưng đã kịp thời chủ động ứng phó với bão số 7. 

Bộ trưởng  yêu cầu những diện tích ngập tại miền Trung cần xử lý bằng được các vấn đề môi trường; không cho dân tham gia giao thông ở những nơi nguy hiểm; không để hộ dân nào đói xảy ra. 

“Đây là cơn bão cực lớn, phạm vi vùng ảnh hưởng nguy hiểm rất rộng, từ Khánh Hòa tới Quảng Ninh. Đồng thời đây cũng là mùa chịu tác động của gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam hoạt động rất mạnh”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định. Cơn bão vào khi các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đảm bảo tổ chức xong gần 50% vụ thu đông, đây lại là cơn bão muộn trái mùa, ông Cường cho hay, người dân và các cơ quan dễ sinh tâm lý chủ quan nếu không nâng cao cảnh giác. Các công trình thủy lợi đã đầy, rất dễ bị tổn thương. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là tổ hợp thiên tai về đề nghị các tỉnh, TP vừa ứng phó với bão, với hậu quả áp thấp nhiệt đới, tập trung tối đa tìm kiếm người mất tích. Đồng thời vận hành đảm bảo các hồ chứa, không xảy ra các sự cố bất ngờ. 

Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm dự báo tiếp tục theo dõi cập nhật thường xuyên cơn bão, cung cấp kịp thời cho các cơ quan, người dân biết đầy đủ thông tin để chủ động ứng phó, chủ động rà soát phương án. 


Ngọc Yến
.
.
.