Tổ chức “Ủy ban bảo vệ ký giả”: Một công cụ chính trị mờ ám

Chủ Nhật, 22/02/2009, 10:30
Mặc dù, Cơ quan An ninh Việt Nam đã có đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi khủng bố của Khunmi Somsak, nhưng Ủy ban bảo vệ ký giả" (CPJ) lập tức gán cho y chiếc mũ "nhà báo", rồi can thiệp, đòi trả tự do. Theo CPJ, Khunmi Somsak đã giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Vân (cũng là thành viên tổ chức khủng bố "Việt Tân") "thực hiện nhiều phóng sự về nông dân biểu tình ở Việt Nam...". Thật buồn cười, "nhà báo" Khunmi Somsak sống thường xuyên ở Thái Lan mà lại giúp làm "phóng sự" ở Việt Nam.

Thành lập năm 1981, Tổ chức "Ủy ban bảo vệ ký giả" (tên tiếng Anh là Committee to Protect Journalists - viết tắt là CPJ) có trụ sở ở New York, Mỹ. Hiện nay, Ban điều hành của CPJ, gồm 35 thành viên do Paul E.Steiger giữ cương vị Chủ tịch, Joel Simon đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành. Ban đầu khi thành lập, CPJ đề ra tôn chỉ, mục tiêu "thúc đẩy tự do ngôn luận trên toàn thế giới thông qua hoạt động bảo vệ quyền đưa tin và nền tự do báo chí trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan v.v...".

Với mục tiêu, tôn chỉ đẹp như vậy, ai cũng có quyền kỳ vọng vào sự hướng thiện của nó, nhưng gần đây dư luận liên tiếp cáo buộc CPJ đã bị lũng đoạn nhằm phục vụ mưu đồ chính trị riêng. Mới đây, CPJ lại xuyên tạc Việt Nam "tấn công, đàn áp báo giới  hoặc ngăn chặn mọi trang web, blog và những tài liệu trên mạng Internet...".

Bất chấp thực tế

Ngày 10/2/2008, CPJ tiếp tục ra cái gọi là "Bản phúc trình về tình trạng đàn áp ký giả trên khắp thế giới trong năm 2008", trong đó có nội dung xuyên tạc cho rằng năm qua, Việt Nam đã "đàn áp nhiều ký giả, những người viết nhật ký trên mạng (tức blogger), ngăn chặn mọi trang web hoặc vô cớ bắt giam và thu hồi thẻ nhà báo của một số phóng viên"...

Hơn thế, CPJ còn đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do báo chí, đặc biệt là hoạt động quản lý Internet, blog ở Việt Nam. Qua theo dõi được biết, thời gian gần đây, với thủ đoạn tương tự, CPJ đã nhiều lần tung tin bịa đặt xuyên tạc "Việt Nam đàn áp dân chủ, nhân quyền hoặc bịt miệng đối lập" để kích động chống phá Việt Nam.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những cáo buộc mà CPJ đưa ra đối với Việt Nam là đúng sự thật và không phải vì động cơ chính trị xấu nào của các thế lực đen tối đang nắm quyền ở CPJ, bất chấp những thành tựu về tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền hoặc tốc độ phát triển Internet ở Việt Nam

Gần 10  năm trước, Chính phủ Việt Nam đã đề ra kế hoạch phát triển Internet giai đoạn 2001 - 2005, mục tiêu đẩy nhanh việc phổ cập Internet trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội với chất lượng tốt, giá cả thấp hơn hoặc tương đương các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ Việt Nam khẳng định Nhà nước Việt Nam có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập, kết nối Internet, từng bước giảm giá cước đến mức bằng hoặc thấp hơn mức bình quân của các nước trong khu vực nhằm phổ cập nhanh Internet ở Việt Nam.

Sau gần 10 năm chính thức triển khai dịch vụ Internet, đến nay đã có được những thành tựu vượt bậc. Tính đến tháng 6/2008, ở Việt Nam đã có gần 20 triệu người, chiếm hơn 23% dân số sử dụng dịch vụ Internet. Tốc độ tăng trưởng dung lượng kênh Internet/người dùng của Việt Nam tiếp tục duy trì đạt đến mức 200%-250%, xếp thứ 2 thế giới. Việt Nam cũng được nhìn nhận là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển nhanh nhất.

Bàn tay nhúng chàm

Gần đây nhất, khi Cơ quan An ninh Việt Nam bắt giữ nhóm đối tượng cầm đầu tổ chức khủng bố "Việt Tân" nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ khủng bố, phá hoại. Trong nhóm khủng bố này, có tên Khunmi Somsak, được biết đến với các tên gọi khác như Nguyễn Hải, Nguyễn Quốc Hải, Nguyễn Quang Phục hay Lương Ngọc Bang, sinh ngày 9/11/1951 tại Khánh Hòa; trước khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Khunmi Somsak sinh sống tại Thái Lan.

Mặc dù, Cơ quan An ninh Việt Nam đã có đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi khủng bố của Khunmi Somsak, nhưng vì động cơ, mục đích xấu CPJ lập tức gán cho y chiếc mũ "nhà báo", rồi can thiệp, đòi trả tự do cho "nhà báo" Khunmi Somsak.

Theo CPJ tuyên truyền, Khunmi Somsak đã giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Vân (cũng là thành viên tổ chức khủng bố "Việt Tân") "thực hiện nhiều phóng sự về nông dân biểu tình ở Việt Nam...".  Thật buồn cười thay, "nhà báo" Khunmi Somsak sống thường xuyên ở Thái Lan mà lại giúp làm "phóng sự" ở Việt Nam.

CPJ còn bày tỏ "mối quan ngại" về việc "nhà báo Khunmi Somsak bị cầm tù mà không được đưa ra xét xử”. Sự thật thì qua lời khai của Khunmi Somsak và các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan An ninh điều tra nắm được, Khunmi Somsak chỉ là tên khủng bố chuyên cầm súng thạo hơn việc cầm bút, và có lẽ chưa bao giờ y có tư cách là một "nhà báo". Điểm qua vài nét về cuộc đời Khunmi Somsak sẽ thấy rõ điều này.

Từ năm 1970 đến 1975, Khunmi Somsak đi lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa; từ năm 1977 đến 1978 tham gia tổ chức phản động hoạt động theo phương thức khủng bố vũ trang có danh xưng là "lực lượng chí nguyện quân Việt Nam" do tên Phùng Tấn Hiệp cầm đầu. Năm 1978, Khunmi Somsak vượt biên sang Nhật làm nghề tự do.

Cuối năm 1981, Somsak được Ngô Chí Dũng - đối tượng tham gia tổ chức khủng bố "Việt Tân", hoạt động tại Nhật - làm cho hộ chiếu Nhật giả mang tên Phạm Đình Hải để đưa về Thái Lan hoạt động.

Ngày 27/12/1981, Khunmi Somsak được đồng bọn đưa vào "khu chiến" ra mắt Hoàng Cơ Minh. Thực chất, "khu chiến" này là căn cứ huấn luyện khủng bố, phá hoại của tổ chức "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng miền Nam Việt Nam" do tên Hoàng Cơ Minh - nguyên là Phó đô đốc Quân đội Việt Nam Cộng hòa cầm đầu, tổ chức tiền thân của "Việt Tân" đóng tại Buntharik, tỉnh Ubolratchanthani, Thái Lan.

Tại đây, Khunmi Somsak đã được Hoàng Cơ Minh giao cho nhiệm vụ cầm đầu một toán vũ trang với chức vụ "tâm đoàn trưởng", bí danh Nguyễn Quang Phục, bí số 250, trực tiếp đi mua vũ khí của các toán phỉ Lào, để trang bị cho "quân đội" của "mặt trận" nhằm xâm nhập Việt Nam khủng bố vũ trang, bạo loạn lật đổ chính quyền. Hoàng Cơ Minh đã 3 lần giao nhiệm vụ cho Khunmi Somsak trực tiếp xâm nhập Việt Nam để khủng bố, phá hoại nhưng đều thất bại... 

Việt Nam không cản trở hoạt động của các nhà báo.

Ngày 23/4/2007, Khunmi Somsak nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường bộ và theo ám hiệu được Nguyễn Kim cung cấp, gặp một đối tượng tên Đức để thực hiện kế hoạch mạo danh các công ty của Việt Nam để phát tán tài liệu kêu gọi chống chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, do lần này không gặp được tên Đức, nên ngày 7/5/2007, Khunmi Somsak trở lại Campuchia rồi về Thái Lan.

Khoảng giữa tháng 8/2007, tên Nguyễn Kim lại chỉ đạo Khunmi Somsak yêu cầu chuẩn bị đưa Nguyễn Thị Thanh Vân - thành viên tổ chức khủng bố "Việt Tân" (từ Pháp sang) về Việt Nam vì Vân không biết đường. Ngày 17/8/2007, Khunmi Somsak ra sân bay Suvannaphum ở Bangkok để đón Nguyễn Thị Thanh Vân.

Chiều cùng ngày, Khunmi Somsak, Vân đi Phnôm Pênh và thuê trọ tại khách sạn Asia. Tại Campuchia, Khunmi Somsak gặp lại tên Đức và một số đối tượng nữa. Bọn chúng bàn bạc kế hoạch và thực hiện khảo sát các tuyến xâm nhập Việt Nam hòng chuẩn bị cho hoạt động chống phá.

Ngày 15/11/2007, Khunmi Somsak cùng với Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Quốc Quân và Trương Leon xâm nhập về Việt Nam để thực hiện kế hoạch chống phá, mạo danh các công ty của Việt Nam tán phát qua đường bưu chính tài liệu tuyên truyền về tổ chức khủng bố "Việt Tân", kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân. Mọi hoạt động của Khunmi Somsak và đồng bọn đã bị lực lượng An ninh Việt Nam phát hiện kịp thời và tiến hành bắt quả tang cùng với đầy đủ tang vật phạm tội.

Với những tài liệu, chứng cứ không thể chối cãi, chắc chắn Khunmi Somsak và đồng bọn sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật.

Không hiểu khi lên tiếng bảo vệ cho Khunmi Somsak và Nguyễn Thị Thanh Vân, CPJ có thực sự hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức này hay đang ủng hộ, hậu thuẫn cho các hoạt động của tổ chức khủng bố "Việt Tân" chống phá Việt Nam? Thật mơ hồ và coi thường hình ảnh chân chính của các nhà báo khi gọi Khunmi Somsak là một "nhà báo". 

Trở lại với chuyện CPJ bịa đặt xuyên tạc ở Việt Nam "tự do báo chí bị bóp nghẹt". Sự thật thì ở Việt Nam báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của cá nhân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.

Ở Việt Nam tính đến nay, đã có 702 cơ quan báo chí, trong đó có 634 cơ quan báo in với 813 ấn phẩm; 70 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng Internet. Việt Nam hiện có 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền hình khu vực và 64 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố và hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện. Hội Nhà báo Việt Nam đã có gần 15 nghìn hội viên, ngoài ra hàng nghìn người có hoạt động báo chí nhưng chưa gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam.

Điểm qua một chút về những vụ xìcăngđan liên quan đến hoạt động của CPJ thời gian gần đây để thấy được phần nào "tảng băng chìm" tiêu biểu cho hoạt động ngày càng xa rời tôn chỉ, mục tiêu ban đầu của CPJ.

CPJ hãy trở về với tôn chỉ, mục tiêu ban đầu

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có gần 300 nhà báo, phóng viên Việt Nam hy sinh ở những nơi chiến trường ác liệt nhất để đưa tin, bài góp phần làm cho cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan về sự khốc liệt của chiến tranh mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu.

Chiến tranh nay đã lùi xa, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, với phương châm sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Sự thật là bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều thấy rõ sự đổi mới và phát triển Internet ở Việt Nam nói chung và hoạt động tự do báo chí nói riêng.

Tình hình thế giới hiện nay vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, nhiều vùng chiến sự vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ; nạn khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra triền miên ở nhiều nơi, mà hơn ai hết người dân phải gánh chịu hậu quả tang thương đó. Máu và sinh mạng của nhiều nhà báo vẫn đâu đó còn đang chảy, tính mạng của họ còn đang bị đe dọa trong khi tác nghiệp để góp phần nói lên sự thật khốc liệt của chiến tranh.

CPJ hãy quay về với tôn chỉ, mục tiêu đầy tính nhân văn, tốt đẹp ban đầu để bảo vệ họ và nói lên tiếng nói "vì một thế giới hòa bình không có chiến tranh". Thực tế ở Việt Nam không có chuyện "tấn công, đàn áp báo giới và quan trọng hơn nữa là Việt Nam không ngăn chặn mọi trang web, blog và những tài liệu trên mạng..." mà CPJ đã trót nói ra. Đó là sự thật!

Thi Nga - ANTG số 833
.
.
.