Tiếp tục giải trình hướng giải quyết 12 dự án kém hiệu quả
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo bổ sung một số thông tin.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Thứ nhất, về tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã triển khai quyết liệt từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương có đề án với 9 nhiệm vụ lớn. Trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo là động lực tăng trưởng của nhiều năm nay, 2017 tăng trưởng hơn 14%, nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành. Dệt may đứng thứ 7 thế giới, da giày thứ 3 về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu, thủy sản thứ 4, đồ gỗ đứng thứ 5 về xuất khẩu. Đã hình thành một số tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Bộ trưởng nhắc đến một số doanh nghiệp lớn có đóng góp lớn cho nền kinh tế và xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng, mặc dù khu vực FDI vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng trong năm 2017, 2018, khu vực có vốn đầu tư trong nước đã có bước phát triển nhanh, cách biệt giữa hai khu vực trong nước và nước ngoài đã có chuyển dịch tích cực.
Chúng ta cũng đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia. 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới - hiện cũng không còn thị trường nào dễ tính nữa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng phân tích thêm về cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và cho biết, Chính phủ rất quan tâm, các bộ ngành nghiên cứu, phối hợp thường xuyên và báo cáo Chính phủ, từ đó khai thác tốt cơ hội và hạn chế các nguy cơ. Do không có thời gian, Bộ trưởng xin phép sẽ báo cáo đầy đủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, về 12 dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý. Các dự án này cần được xử lý trong khung khổ luật pháp, theo đúng nguyên tắc thị trường, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Các Bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc này, đến nay, tiến độ đến nay cơ bản đạt một số kết quả tích cực. Sáu dự án dừng kinh doanh thì đã có 2 dự án, nhà máy bước đầu hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa, sẽ sớm đưa ra khỏi danh sách. Bốn dự án còn lại cũng đã từng bước khôi phục hoạt động, giảm lỗ.
Hai dự án liên quan tới nhiên liệu sinh học cũng đã có những chuyển biến cụ thể. Các dự án khác như Gang thép Thái Nguyên, giấy Phương Nam... có nhiều vấn đề phức tạp như công nghệ, thậm chí vi phạm pháp luật, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý rất đồng bộ, theo đúng quy định của pháp luật...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng bức tranh kinh tế đang đẹp nhưng vẫn còn vết nhám cần giải quyết, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu công bằng, còn nhiều thủ tục, rào cản với doanh nghiệp. Tiến trình cổ phần hóa còn chậm. Việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả chưa tiến triển nhiều. Đại biểu nêu một số ví dụ cụ thể về các nội dung này và đề nghị cần bịt các lỗ hổng trong cổ phần hóa; tăng cường kiểm toán, thanh tra; coi trọng cải cách tư pháp.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Đại biểu Hà Sĩ Đồng, đoàn Quảng Trị phát biểu: Báo cáo của Chính phủ cho thấy tình hình kinh tế-xã hội khả quan hơn năm 2017, củng cố niềm tin cho dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu 6,7%.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp không còn giữ được tốc độ cao như 2 quý đầu năm, kết quả triển khai nông nghiệp công nghệ cao chưa được như ý muốn để tăng trưởng 4-5%/năm; ngành du lịch chịu tác động bởi cạnh tranh thương mại quốc tế. Ngành xây dựng tăng trưởng cho thấy việc tháo gỡ các nút thắt trong đầu tư công đã có ý nghĩa tốt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng |
Đại biểu cũng đề nghị cần có chính sách cho một số doanh nghiệp đầu tàu; kiến nghị một số vấn đề về chính sách tiền tệ và cho rằng, cần tiếp tục cải cách thể chế, hỗ trợ khu vực tư nhân trong nước, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thu gọn khu vực kinh tế nhà nước. Bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường lớn. Đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, tham gia ý kiến về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế. Theo đại biểu, chủ trương của Trung ương về vấn đề này là hết sức đúng nhưng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin và truyền thông, có phần chưa chặt chẽ, đầy đủ, có phần hiểu lầm.
"Chúng ta nói chi thường xuyên trong ngân sách tới gần 70%, nhưng nội dung này có 13 nội dung chi, trong đó có chi cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội..., đó là nhà nước đang bao cấp cho người dân, tức là chi cho người dân, còn chi cho bộ máy chỉ khoảng 10% trong số đó, nhưng chúng ta nói không đầy đủ làm cho người dân hiểu bộ máy đang là một gánh nặng của ngân sách", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ về tinh giản bộ máy, phải tiến hành rất thận trọng, có bước đi thích hợp, nhưng việc thực hiện có phần lúng túng, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Tinh giản phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Việc này cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho biết, cử tri phấn khởi trước những thành tựu năm 2018 và 3 năm 2016-218 mà báo cáo của Chính phủ nêu, là cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu 5 năm, đồng tình với các giải pháp phát triển năm 2019.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị 8 vấn đề như về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực theo hướng thị trường hơn, tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng toàn diện, tập trung đầu tư cho các đầu tàu như TPHCM, Hà Nội.
Đại biểu cũng cho biết cử tri bức xúc với tình trạng hàng giả, hàng lậu, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào của sản xuất, đề nghị xử lý nghiêm.
Đồng thời đại biểu đề nghị có cơ chế hiệu quả để khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là vào khu vực nông thôn, để giải quyết vấn đề việc làm tại nông thôn...