Bộ trưởng Bộ Công thương tranh luận các vấn đề về dự án thủy điện với ĐBQH

Thứ Năm, 05/11/2020, 10:20
Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình một số ý kiến mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc nêu liên quan đến các dự án thủy điện. Sau đó các đại biểu đã liên tiếp ấn nút tranh luận, trao đổi lại với Bộ trưởng cũng như với các đại biểu về tính hai mặt của thủy điện, hệ quả của việc lạm dụng xây dựng nhiều thủy điện khiến nhiều nơi gặp lũ lụt, sạt lở đất...


Theo Bộ trưởng, chúng ta có những quy trình về pháp lý rất quan trọng, rất bài bản trong quản lý các dự án đầu tư để bảo đảm hiệu quả của các dự án. 

Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư, chúng ta có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động về môi trường.

“Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào? Không dừng ở đó, các dự án này còn phải thoả mãn các giải pháp, biện pháp để giảm bớt các hạn chế tiêu cực để khai thác tốt các ưu thế cũng như lợi ích từ các dự án này”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Về ý kiến liên quan đến các vấn đề quản lý đất, nhất là xâm dụng đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải, thực tế, đối với các dự án thuỷ điện có những khâu rất quan trọng. Đầu tiên là phải bổ sung quy hoạch, khâu này xuất phát từ địa phương, địa phương căn cứ theo Thông tư 43 của Bộ Công Thương, hướng dẫn xem xét các dự án thuỷ điện bổ sung quy hoạch, trong đó nói rõ tiêu chí xây dựng đất là như thế nào, nếu vượt quá 10ha/1KW thì không được xem xét. Hoặc đất rừng tự nhiên thì cũng không được xem xét.

Khi bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an… và nhiều cơ quan khác để bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch. Đây là khâu chốt chặn đầu tiên, trong đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, sau đó là quản lý dự án đầu tư…

“Tôi nhấn mạnh báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là căn cứ rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua, để bảo đảm rằng quy định của pháp luật, nhất là liên quan đến môi trường được đảm bảo. Vì vậy, các báo cáo đánh giá tác động về môi trường đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để biết được có đảm bảo hay không”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, nếu phát biểu như Bộ trưởng thì "mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời là sai nên mưa nhiều quá". Bộ trưởng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện thì e rằng là chưa ổn.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng.

"Tôi thấy rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Chúng ta làm nhiều thủy điện thì không vỡ đập thủy điện nhưng sẽ ảnh hưởng chỗ khác, nước dâng cao phải tìm đường thoát và khi thoát trái với tự nhiên thì sẽ gây ra hậu quả", đại biểu nêu quan điểm.

Ông cho rằng, câu hỏi về nguyên nhân sạt lở đất và lũ lụt Chính phủ và các nhà khoa học sẽ có câu trả lời chính thức, nhưng cá nhân ông và nhiều ĐBQH đều có chung nhận xét như trên. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội cần xem xét lại chủ trương dự án hồ chứa nước sông Than, bản Mồng ở Nghệ An, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán dự án này và nếu đưa vào khai thác phải đảm bảo khâu đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân...

Theo ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói các thủy điện có hai mặt và đúng là như vậy. Nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các quy trình đều làm đúng thì chúng ta phải ủng hộ điều đó, các mặt tiêu cực hiện nay Bộ Công thương đang làm tương đối chặt chẽ. "Tuy nhiên tôi cũng đề nghị Bộ trưởng lưu ý, những tiêu cực ấy phải được kiểm soát một cách hiệu quả hơn", ông nói.

Còn về ý kiến của ĐBQH Dương Trung Quốc vì các dự án thủy điện như "quả bom nổ chậm", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần xem có đúng như vậy không, nếu đúng là "quả bom nổ chậm" thì phải tháo ngòi nổ đó. "Vì "bom ở Biển Đông" chúng ta còn tháo được. Nhưng theo tôi không đến mức như "quả bom nổ chậm", tôi đồng tình với các giải pháp mà Bộ Công thương hiện nay đang kiểm soát, cái gì cũng có hai mặt và nếu chúng ta nhận thức được thì chúng ta sẽ có giải pháp", ĐBQH tỉnh Khánh Hòa bày tỏ.

ĐBQH Dương Trung Quốc.

"Khi trao đổi về thủy điện đừng nên so sánh với Biển Đông. Đây là câu chuyện của dăm chục năm nữa chứ không phải câu chuyện ngày hôm nay, nếu chúng ta không nhìn nhận trước thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu", ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trao đổi thêm. Ông đánh giá phần trao đổi của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày hôm qua có giải pháp hợp lý hơn. Tức là ngay khi tham gia các dự án doanh nghiệp phải đóng khoản tiền như là phí bảo vệ môi trường, để khi bị xử lý hay dừng tham gia thì họ vẫn có trách nhiệm.

"Chứ cách Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói, sau đó mới xử lý thì tôi kể một câu chuyện tối thiểu, khi lấy đất của dân, di dời dân mà chưa đền bù cho họ thì 3-4 chục năm sau ai sẽ bỏ tiền ra giải quyết cho họ? Nên trong việc này phải nhìn trước, có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi chứ doanh nghiệp mà tìm mọi cách thoái thác, bỏ đi thì ai làm gì được họ? Yếu tố "lợi ích nhóm" không chỉ là câu chuyện ngày hôm nay mà sẽ để lại hậu quả cho con cháu của chúng ta", đại biểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, khi nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt lũ lụt vừa rồi thì chúng ta phải xem xét có tính lịch sử. Thủy điện Sông Đà khi xây dựng mục tiêu ban đầu là trị thủy, con sông Đà hùng vĩ và hung dữ bao nhiêu đời cha ông ta không trị được, Pháp cũng bó tay. Khi chuyên gia Liên Xô sang xây dựng, ban đầu mục tiêu trị thủy, sau đó mới phát điện.

"Chính vì sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội mới tránh được những trận lụt lịch sử. Ai cũng biết, từ năm 1971, Trung ương phải phá đê ở Chương Mỹ xả lũ để cứu Hà Nội. Từ ngày có sông Đà đến nay đã điều tiết nước rất tốt, lũ lụt vùng đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục, đó là mặt tốt của thủy điện", đại biểu lý giải.

Thế nhưng mặt trái là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm, kỹ thuật. "Tôi nghĩ khi nói đến thủy điện các nhà chuyên môn phải chú ý đến thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy... Đáng tiếc rằng, một số chủ nhà máy điện lạm dụng quy trình đấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên", ông nhận định.

Đại biểu nêu quan điểm, nếu nói đến vai trò của thủy điện, phải thấy được mặt tích cực của họ. Phải xem xét, đánh giá khách quan, nhiều chiều, thấy rằng con người là chủ thể vi phạm pháp luật do "lợi ích nhóm" gây ra. Và chúng ta xử lý động cơ, mục đích của họ khi chọn địa điểm, các quy trình thủ tục để trục lợi, chứ không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

Quỳnh Vinh
.
.
.