Thường vụ Quốc hội ghi nhận dấu ấn của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016

Thứ Sáu, 19/02/2016, 18:34
Cho ý kiến dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước tại phiên họp chiều 19-2, các thành viên UBTV Quốc hội đã ghi nhận vai trò, hiệu quả công tác của Chủ tịch nước và đề nghị báo cáo cần bổ sung để làm rõ thêm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, báo cáo đã nêu khá đầy đủ công tác của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó ông ấn tượng trong công tác đối ngoại của Chủ tịch nước khi góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam, thể hiện vai trò của Chủ tịch nước tại Liên Hợp quốc cũng như trong quan hệ ngoại giao, hợp tác với các nước. 

Về đối nội, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu ấn tượng trước sự đôn đốc của Chủ tịch nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa. “Điều này rất xúc động, là thực chất từ cuộc sống thực tiễn của người lãnh đạo lo cho nước cho dân và để lại dấu ấn mạnh trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, có hành động và tuyên bố mạnh mẽ” – ông Nguyễn Văn Giàu nhận xét. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh. ảnh TTXVN

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch nước trong củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Từ đó, ông đề nghị báo cáo cần làm nổi bật thêm vai trò của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ qua. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ ấn tượng với Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có công tác dân tộc, công tác di cư của đồng bào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự thảo báo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước đã được chuẩn bị kỹ và nêu bật được các vai trò, công tác trọng tâm. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, báo cáo ngoài thống kê những việc mà Chủ tịch nước đã làm trong nhiệm kỳ cũng cần bổ sung, tô đậm những nhận định tổng quát để thấy rõ vai trò của Chủ tịch nước trong đối nội, đối ngoại. Báo cáo đã nêu rõ những nhiệm vụ được giao của Chủ tịch nước theo quy định Hiến pháp và luật, song cần có nhận định cụ thể hơn để tổng quát, làm rõ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của nguyên thủ quốc gia…

Dự thảo báo cáo cho biết, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã quyết định cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 3.157 người và cho thôi quốc tịch Việt Nam đối với 32.638 người. Báo cáo cũng nêu rõ, nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã đề nghị Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời căn cứ vào các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã bổ nhiệm 6 Phó Thủ tướng Chính phủ, 25 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, miễn nhiệm 1 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và 1 bộ trưởng. Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta thăm cấp Nhà nước tới 22 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 42 đoàn nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam.

Về công tác đặc xá, căn cứ Luật đặc xá và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và 609 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân ngày lễ lớn của đất nước (Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán). Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thăng quân hàm cấp tướng cho sĩ quan QĐND và CAND. Theo Hiến pháp 2013, việc thăng hàm cấp tướng do Chủ tịch nước quyết định (trước đây, theo Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước chỉ quyết định thăng hàm cấp tướng đối với bậc hàm đại tướng, thượng tướng). Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Chủ tịch nước đã thay mặt Hội đồng ký quyết định cử 7 sĩ quan QĐND tham gia phái bộ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung phi. Về bổ nhiệm các chức danh tư pháp, theo đề nghị của các cơ quan chức năng, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 9 phó chánh án TAND tối cao, 66 thẩm phán TAND tối cao, Tòa án quân  sự Trung ương, 25 thẩm phán cao cấp, 7 phó viện trưởng VKSND tối cao, 50 kiểm sát viên VKSND tối cao, 3 kiểm sát viên VKS quân sự Trung ương.

Cũng trong phiên họp, trình bày tờ trình về việc đề nghị giao chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp để thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện nay tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành kiểm sát là 182 người. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành kiểm sát cần có 454 người. Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trước mắt bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp cho VKSND là cần thiết nhưng với số lượng tối thiểu hợp lý, còn việc quyết định tổng thể về biên chế, cơ cấu các ngạch kiểm sát viên sẽ được xem xét khi các đề án về vị trí việc làm, biên chế của VKSND được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

M.Đ.
.
.
.