“Thùng rỗng” của những kẻ tiếm danh chống Nhà nước

Thứ Tư, 18/12/2013, 09:58
Kể từ khi có một kẻ tiếm danh phục hồi Đảng Dân chủ gây sự phẫn nộ từ chính những đảng viên từng sinh hoạt trong Đảng Dân chủ trước đây, đến nay ngày càng nảy sinh thêm nhiều người xem sự tiếm danh làm phương thức vận động, đấu tranh cho cái gọi là “Phong trào dân chủ Việt Nam”. Nhưng thực ra, đây chỉ là một nhóm cá nhân chưa đến chục người hùng hồn tuyên bố trên Internet, chứ chưa thể gọi là phong trào, lại càng không kích thích được đời sống dân chủ.

Nhóm 103 người ký tên phản đối Điều 258 BLHS cũng tiếm danh cộng đồng blogger Việt Nam đã khiến các blogger trên mạng nổi giận, lên án hành vi này là mạo nhận danh xưng cộng đồng nhằm chiêu dụ thành phần chống đối đất nước, lòe bịp các tổ chức quốc tế. Mang danh là "Mạng lưới blogger Việt Nam" nhưng họ không làm gì hết ngoài chửi bới và đòi hỏi, trong khi đa phần các blogger đó không quan tâm gì đến Điều 258. 103 blogger không thể đại diện cho cả một cộng đồng. Bởi vậy trên mạng lưới facebook giờ đây, người ta biết đến một nhóm blogger có tên gọi “Hội những người phản bác tuyên bố 258” luôn có bài viết vạch trần các chiêu trò, thủ đoạn gian manh của nhóm có danh xưng “Mạng lưới blogger Việt Nam” kia.

Gần đây nữa là sự xuất hiện cái gọi là “Diễn đàn xã hội dân sự” do nhóm người tự xưng là nhân sĩ trí thức điều hành. Nói là diễn đàn quy tụ các nhóm hội xây dựng xã hội dân sự, nhưng thực chất chỉ là “diễn đàn” cho một số kẻ chống Nhà nước, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thay đổi thể chế chính trị hiện hành là chính. Mặc dù mang danh là "diễn đàn" nhưng lại chỉ một admin vô hình nào đó post chọn và post bài theo định hướng nội dung của nhóm nhân sĩ trí thức kia.

Qua đó có thể thấy không những ở đây không phải diễn đàn mà cũng chẳng hề có tính "dân sự" như họ hùng hồn tuyên bố. Bởi vậy mà diễn đàn này, thêm một nhóm nữa, cũng tiếm danh các tổ chức, hội nhóm dân sự trong nước không ngoài mục đích thùng rỗng kêu to, khuyếch trương cho cái gọi là lực lượng chính trị đối lập “ảo” trên mạng Internet.

Lấy sự tiếm danh là phương thức vận động xã hội tất yếu dẫn đến sự “danh không chính, ngôn không thuận”, không chỉ gây ra phản ứng của dư luận bị tiếm danh, mạo nhận mà còn khiến cho chính nội bộ các hội nhóm này ngày một tự phân hóa, lèo tèo dần đi. Cũng vì thế mà các vở diễn dở khóc dở cười mà các diễn viên thủ vai chính lại là những kẻ khởi xướng đang trở thành trò cười, câu chuyện tiếu lâm trên mạng Internet cũng ngày một nhiều hơn.

Thời nào cũng vậy, dù chiếc áo khoác có mỹ miều, đẹp đẽ đến đâu, như “đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “xây dựng xã hội dân sự” của những kẻ tiếm danh, “vô danh tiểu tốt” cũng chẳng che đậy được bản chất vụ lợi, cơ hội bên trong là vì thế. Vì thế, họ sẽ chuốc lấy sự thất bại và bài xích của những người chân chính

Đ.H.
.
.
.