Thực hiện 5 gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 qua cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, sau 5 tháng vận hành, cổng DVCQG đã hỗ trợ hơn 34,1 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; đã cấp hơn 133 nghìn tài khoản; công khai, minh bạch quá trình giải quyết của hơn 6,3 triệu hồ sơ; xử lý thành công hơn 52 nghìn hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ cổng; tiếp nhận, xử lý 5.315 phản ánh, kiến nghị và 10.362 cuộc gọi tới tổng đài.
Đặc biệt, tính trong hơn 1 tháng trở lại đây (cao điểm phòng chống dịch COVID -19), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ cổng DVCQG tăng gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý của 4 tháng trước đó.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID -19 khi thực hiện các thủ tục hành chính bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, VPCP đã phối hợp với một số bộ, cơ quan xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 trên cổng DVCQG theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.
5 dịch vụ được triển khai, đó là: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID - 19.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đã phối hợp với VPCP hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp trên cổng DVCQG phục vụ cá nhân, tổ chức.
Đối với dịch vụ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, ông Ngô Hải Phan, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP cho biết, VPCP đã hoàn thành việc phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống để cung cấp dịch vụ công này trên cổng DVCQG.
Theo đó, quy trình giải quyết sẽ được liên thông điện tử giữa 3 cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND huyện và UBND tỉnh. Doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục xin xác nhận của Bảo hiểm xã hội; giảm hồ sơ, giấy tờ do được mẫu hóa thống nhất. Dự kiến cắt giảm ít nhất được 6 ngày làm việc so với việc thực hiện trực tiếp, giúp khoảng 3 triệu đối tượng thuộc trường hợp này được hưởng chính sách nhanh hơn.
Đối với dịch vụ hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, VPCP đã hoàn thành việc phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng hệ thống để cung cấp dịch vụ công này trên cổng DVCQG. Theo đó, quy trình giải quyết sẽ được liên thông điện tử, người sử dụng lao động chỉ cần nộp hồ sơ một lần để được giải quyết theo quy định, thay vì phải thực hiện 3 thủ tục hành chính như cách nộp trực tiếp hiện nay và dự kiến cắt giảm ít nhất được 10 ngày làm việc so với việc thực hiện trực tiếp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu với một số nội dung còn thiếu, chưa tròn trịa cần hoàn thiện trước ngày 8/5 để làm cơ sở báo cáo trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) có chương trình kiểm tra tại các địa phương để xem xét thực tế phát sinh.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các quy trình thủ tục nhanh gọn nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phải thực sự cải cách, cắt giảm giấy phép con, những rào cản không cần thiết, với nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng nhập một lần và không phải mang giấy tờ đến từng cơ quan để làm thủ tục.
“Với gói an sinh xã hội, nếu để 1-2 tháng không trả được hoặc người dân đi lại mấy lần không lấy được tiền hỗ trợ thì cũng không còn ý nghĩa. Chúng ta đứng trên góc độ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn để chia sẻ với họ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.
“Tất cả các dịch vụ trên phải thực hiện theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con, quy trình thực hiện, sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ thể thực hiện. Các đơn vị không được bắt người dân mang hồ sơ có dấu đỏ, chữ ký tươi lên để kiểm tra” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.