Thủ tướng đề nghị IMF, WB tư vấn xây dựng cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô cho ASEAN

Thứ Năm, 11/10/2018, 20:35
Trước các biến động khó lường của kinh tế thế giới, Thủ tướng đề nghị IMF, WB hợp tác và tư vấn cho các nước ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường và thích ứng của kinh tế ASEAN.


Chiều 11/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp Hội nghị Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) tại Bali, Indonesia. Cùng dự Cuộc gặp với các Lãnh đạo ASEAN còn có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng Thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành IMF và Chủ tịch WB.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đứng đầu các tổ chức LHQ, IMF, WB đã trao đổi ý tưởng, định hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và LHQ, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và gia tăng sự tương hỗ giữa Chương trình này với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo chào mừng các nhà lãnh đạo ASEAN và LHQ, IMF, WB tới tham dự cuộc gặp theo sáng kiến của nước chủ nhà, đồng thời đề nghị có các biện pháp cũng như sáng kiến tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các tổ chức này. 

Các nhà lãnh đạo đã phát biểu về tình hình và triển vọng kinh tế ASEAN; các thách thức đặt ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu hiện nay; chia sẻ kết quả và kinh nghiệm quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời các nhà lãnh đạo cũng đề xuất các định hướng và giải pháp cho ASEAN trong các vấn đề kinh tế và phát triển, thực hiện SDGs. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng trưởng dựa trên luật lệ; cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs cũng như đưa các nội dung này vào các chương trình hành động quốc gia với mục đích thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, không để ai phía sau. 

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong các bài phát biểu, lãnh đạo LHQ, IMF và WB đánh giá cao nỗ lực của các nước ASEAN trong việc thực hiện SDGs, trong đó nêu Việt Nam là một điển hình; cam kết tiếp tục hợp tác và hỗ trợ với các nước ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu này. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Indonesia tổ chức cuộc gặp, nhấn mạnh hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo ASEAN và các tổ chức quốc tế chia sẻ quan điểm và thảo luận các biện pháp phối hợp hành động cấp khu vực và toàn cầu, hợp tác thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, sáng tạo, trọng tâm là thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững LHQ 2030. 

Thủ tướng cho rằng thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 tổ chức tại Việt Nam vừa qua đã cho thấy ASEAN có nhiều lợi thế, sẵn sàng đón nhận và tận dụng hiệu quả các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo ASEAN, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới đã gợi mở nhiều sáng kiến, ý tưởng và tầm nhìn cho các nước ASEAN tranh thủ cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, qua đó góp phần giải quyết các vấn đề phát triển lớn của khu vực.  

Thủ tướng đề xuất LHQ, IMF, WB phối hợp với ASEAN và Việt Nam thúc đẩy triển khai thiết thực các kết quả của Hội nghị WEF ASEAN, nhất là về: Cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh; khuôn khổ kết nối các vườn ươm quốc gia và kết nối mạng lưới giáo dục và xây dựng hệ thống học tập suốt đời ở các nước ASEAN.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đối với Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ Việt Nam đang triển khai đổi mới mạnh mẽ, xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; Việt Nam đang tăng cường hợp tác, đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch về Cộng đồng ASEAN 2025. 

Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc phối hợp triển khai các khuyến nghị, nhất là 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên trong “Báo cáo tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững” gồm nâng cao năng lực tự cường, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm nghèo và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. 

Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của IMF và WB đối với ASEAN trong xây dựng cộng đồng và trợ giúp các nước thành viên ASEAN trong phát triển bền vững, giám sát kinh tế vĩ mô, tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực. 

Trước các biến động khó lường của kinh tế thế giới, Thủ tướng đề nghị IMF, WB hợp tác và tư vấn cho các nước ASEAN xây dựng một cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực để giúp nâng cao năng lực tự cường và thích ứng của kinh tế ASEAN, tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh báo sớm thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển nhất là khoảng cách số, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cải cách thể chế và đào tạo nhân lực chất lượng cao để kịp nắm bắt các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với sự hợp tác sẵn có và quyết tâm của các bên, các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự 2030 của LHQ sẽ được thực hiện thành công ở Đông Nam Á và trên thế giới. 

* Ngày mai, 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ khai mạc Hội nghị thường niên IMF - WB với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà và hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm làm việc Indonesia./.

Theo baochinhphu.vn
.
.
.