Thủ tướng: Xử lý nghiêm bệnh nhân số 178 để răn đe, giáo dục

Chủ Nhật, 29/03/2020, 14:21
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 5 thành phố lớn về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 29-3. Nhất là trong bối cảnh bệnh nhân này là nhân viên Công ty Trường Sinh (cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai) đã trở về quê ở Thái Nguyên nhưng khai báo không trung thực về lịch trình di chuyển của mình



Răn đe một người để cứu nhiều người

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao Đảng bộ và nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp thành công bước đầu cho công cuộc phòng, chống COVID-19; khẳng định các Đảng bộ đã lãnh đạo sâu sát, quyết liệt, nhiều sáng kiến, tinh thần trách nhiệm cao; hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân ủng hộ. Đảng bộ, chính quyền các thành phố đã dành thời gian, công sức, kinh phí chỉ đạo việc này hết sức trách nhiệm, nhiều cách làm sáng tạo, nhất là trong thực hiện Chỉ thị 15 hiệu lực, hiệu quả trong thời gian ngắn vừa qua.

Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp.

“Một tinh thần phải cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh các ổ dịch kịp thời. Chỉ thị 15 được triển khai thực hiện nghiêm túc, cung ứng dịch vụ cho người dân đảm bảo cuộc sống. Bước đầu xử lý nghiêm vi phạm, như Hà Nội đã phạt 200.000 đồng một cá nhân không đeo khẩu trang”, Thủ tướng đánh giá. 

Nhân đây, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân số 178 để răn đe, giáo dục chung. “Mình rất nhân văn, nhân đạo nhưng cần răn đe một người để cứu nhiều người”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, từ khi thực hiện Chỉ thị 15 đến nay đã thay đổi cơ bản phương thức làm việc, sử dụng công nghệ trong xử lý công việc. Các thành phố đã tăng cường cơ sở vật chất, quan tâm đời sống tinh thần, vật chất của đội ngũ y tế và những người trực tiếp làm nhiệm vụ như Công an, Quân đội. Truyền thông đã tập trung xử lý khủng hoảng, giới thiệu những gương người tốt việc tốt, tinh thần nhân ái của dân tộc ta và nhiều kết quả cụ thể khác.

Tập trung cao độ chống dịch, không chủ quan

“Đây cũng là “giờ vàng”, “ngày vàng” nên cần tập trung chỉ đạo cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan. “Tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chúng ta đã có 12 ngày đêm chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên phủ trên không, giờ đây chúng ta phải có 15 ngày hoặc hơn nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.

Nhắc lại nội dung trong bức điện mật ngày 7-4-1975, khi Bộ Tư lệnh QĐND Việt Nam gửi Mặt trận Sài Gòn về một tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, Thủ tướng yêu cầu, tinh thần ấy cần vận dụng vào công cuộc chống dịch của nước ta hiện nay, không chỉ đô thị mà cả nông thôn.

Toàn cảnh cuộc họp.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh cần xác định giải pháp phù hợp từng địa bàn, khu dân cư. Ưu tiên tăng cường giám sát, kiểm tra ở các khu vực rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới... Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, của người đứng đầu cấp uỷ chính quyền.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người phải được giám sát, khai báo cụ thể, yêu cầu bảo đảm sự phân lập kịp thời vùng có lây nhiễm với vùng chưa có người lây nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch. Phương châm “4 tại chỗ” phải được vận dụng, sáng tạo, phù hợp với ưu điểm từng nơi. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời đẻ điều phối, chi viện. “Đặc biệt phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện ở các ổ dịch, nhất là Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha. Phải tìm được khoảng 40.000 người đã vào ra bệnh viện trong những ngày qua để rà soát, xem xét cụ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sẵn sàng ứng phó phương án xấu nhất

Thủ tướng đề nghị tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ, tập trung nâng cao năng lực điều trị các tuyến; đồng thời nhắc lại thông tin, tất cả các ca nặng vừa qua đã tiến triển rất tốt, Việt Nam chưa ca tử vong nào. Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến, phòng chống dịch. Sẵn sàng ứng phó phương án xấu nhất.

Thủ tướng đề nghị tăng cường huy động các bệnh viện khác ở một số địa phương để điều trị COVID-19. Tiếp tục rà lại, bổ sung năng lực y tế, nhân lực, trang thiết bị và con người. Dừng các chuyến bay đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh trong 2 tuần nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt, hạn chế các chuyến tàu, ôtô, kiểm tra y tế đầy đủ. Ngành Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức ngay những công việc này và yêu cầu các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện. Quan tâm hơn sự an toàn cán bộ đang trên “chuyến tàu” chống dịch, không chỉ ngành Y tế mà cả Quân đội, Công an, các lực lượng đang tham gia chống dịch, dành những khẩu trang, bộ đồ bảo hộ cho những cán bộ “tuyến đầu”, không để lây nhiễm chéo, đồng thời các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ, kịp thời biểu dương khen thưởng những gương điển hình...

Tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, theo tinh thần Chỉ thị 15, là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ  đầu tháng tới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản tối đa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nội dung Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, làm cho dân hiểu và dự báo được các tình huống xấu nhất để chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế hậu quả thấp nhất; tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân. Làm sao từng người dân hiểu rõ, đồng tâm, ủng hộ tuyệt đối với chính quyền các cấp và với Chính phủ trong thời điểm này.

Với tính bất trắc cao trong diễn biến của dịch, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND các thành phố cần có chế độ linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch, biện pháp triển khai theo tình hình thực tế, phát huy cao độ những thích ứng với diễn biến mới; nhanh chóng truyền đạt kinh nghiệm, bài học trong phát hiện, cách ly và xử lý các ca nhiễm, nghi nhiễm. Khen thưởng các tấm gương, tinh thần chủ động, nghiêm túc, xả thân trong phòng chống dịch; thăm hỏi, động viên các bộ máy phòng, chống dịch trên các tuyến, kể cả Bộ đội, Biên phòng, Công an...

Đối với Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng cách ly diện rộng để giảm thiểu tối đa ổ dịch lây nhiễm này. “Chúng ta thường có câu, trong chiến tranh “hiểu ta, hiểu địch trăm trận trăm thắng”. Trận đầu chúng ta đã thắng nhờ hiểu địch và chủ động tấn công giặc. Lần này, giặc đến từ nhiều nguồn, mức độ phức tạp hơn. Đề nghị lãnh đạo các thành phố các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình, có phương án cụ thể, trên dưới đồng lòng, hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống đặt ra... Có như vậy, chúng ta tin rằng, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 ở các thành phố lớn sẽ thành công, và thành công các thành phố lớn chính là thành công trong cả nước”, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.

Tiếp tục quản lý chặt việc đi lại, tiếp xúc của người dân

Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Công an các thành phố báo cáo lãnh đạo, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương về tất cả đối tượng đã được kiểm tra, rà soát chưa qua 14 ngày; tiếp tục thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về nhanh chóng khai báo y tế và thực hiện cách ly tương ứng theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng chí Thứ trưởng đánh giá, phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” của việc rà soát, tìm kiếm người nghiện ma tuý trước đây đã được vận dụng hiệu quả trong rà soát, truy tìm người nhiễm dịch bệnh COVID-19. Đồng thời giai đoạn này việc đi lại, tiếp xúc của người dân cũng cần được quản lý theo tinh thần của kinh nghiệm phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ chiến tranh là: “Dù cho bão táp mưa sa/Khách lạ đến nhà phải báo Công an”.

“Tức người ở nơi khác đến thì lập tức chính quyền địa phương, thôn, ấp phải biết, nắm được và thông tin cho lực lượng y tế, đề nghị thực hiện các quy định đề ra. Nếu thực hiện yêu cầu này cũng chính là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15 của Thủ tướng về việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, cấm những trường hợp tiếp xúc với số lượng quy định. Chính quyền phải quản lý người dân; cơ quan phải quản lý cán bộ, công nhân viên; doanh nghiệp quản lý công nhân, chuyên gia; gia đình phải quản lý từng thành viên của mình. Có như vậy thì yêu cầu cách ly mới được thực hiện đến nơi đến chốn” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Giám đốc Công an các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa với hình thức mới, mà tới đây CAND là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc đảm bảo thực hiện cách ly tại cộng đồng. Đề nghị Giám đốc Công an các thành phố tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ chính quyền, phối hợp ngành Y tế và các ngành khác thực hiện tốt yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian tới...


Quỳnh Vinh
.
.
.