Thủ tướng đề xuất về "trách nhiệm kép" trong các vấn đề toàn cầu

Thứ Sáu, 28/09/2018, 07:47
Sáng 28/9 (giờ Việt Nam), phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 73 ở New York, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế.

Liên Hợp Quốc- biểu tượng của đoàn kết

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng chúc mừng bà Maria Fernanda Espinosa Garces, được bầu làm Chủ tịch khóa 73 Đại hội đồng LHQ và bày tỏ tin tưởng dưới sự điều hành của bà, khóa họp sẽ thành công tốt đẹp. Thủ tướng cũng đánh giá cao những sáng kiến quan trọng của Ngài Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong thời gian qua.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng đã bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với Đại hội đồng đã có phút mặc niệm về việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang vừa qua đời.

Thủ tướng cho rằng, kể từ khi được thành lập, LHQ đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệ mỏi để gìn giữ hoà bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh, thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương LHQ. 

Ngày nay LHQ đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ khoá 73

Theo Thủ tướng, hành tinh của chúng ta đang chuyển động nhanh chóng với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Điều đó mở ra nhiều cơ hội mới để đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. 

Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định; tác động lan rộng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; đói nghèo vẫn là một thách thức to lớn, với thực tế còn gần 750 triệu người nghèo đói cùng cực trên thế giới, trong đó có rất nhiều trẻ em, đói không đủ ăn, lạnh thiếu áo ấm, ốm đau không có thuốc uống, nghèo không được đi học...

Sự đồng hành của Việt Nam

Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam cũng đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của LHQ. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quốc tế đa phương và tích cực đóng góp thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của LHQ về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông trên cơ sở Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không". 

Thủ tướng cho biết, là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của LHQ, nhất là về xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng và phát triển bền vững; thúc đẩy bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế; bảo vệ tốt môi trường; bảo đảm quyền cho mọi người dân, đồng thời đề cao tinh thần đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người. 

Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký, tham gia và đang đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra quan hệ thương mại tự do với gần 60 quốc gia, đối tác lớn trên thế giới. Việt Nam cũng chủ động, tích cực tham gia nhiều cơ chế quan trọng của LHQ và đóng góp có trách nhiệm trên các lĩnh vực khác nhau. 

"Chúng tôi đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong lần thứ 6, thực hiện Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình... Những thành tựu của Việt Nam về phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, giảm nghèo có sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, trong đó có LHQ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Và đề xuất tinh thần “trách nhiệm kép”

Bày tỏ quan điểm không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần có sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. 

Đồng thời, Thủ tướng nêu ra vấn đề ‘trách nhiệm kép’, tức mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu. Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của LHQ và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững. 

"Các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng LHQ hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.

Chúng tôi ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận đơn phương để Cuba được thực hiện quyền tự do tham gia một cách công bằng, bình đẳng vào các quan hệ kinh tế, thương mại theo luật pháp quốc tế.

Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình, thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

"Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương LHQ.

Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người", Thủ tướng nói thêm.

Đặc biệt, khi đề cập đến vấn đề LHQ cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện theo hướng nâng cao hiệu quả dân chủ và minh bạch để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế được trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu, Thủ tướng đã đặt câu hỏi:  

“Và lúc này, tôi muốn cùng quý vị đặt ra câu hỏi chúng ta muốn một LHQ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, tôi đánh giá cao những đề xuất cải tổ của ngài Tổng Thư ký LHQ, nhất là “tái định vị hệ thống phát triển LHQ”, Thủ tướng nói và đề nghị LHQ tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh cơ chế hợp tác thượng đỉnh LHQ và ASEAN theo hướng tăng nội hàm của LHQ trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong LHQ".

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn 53 nước châu Á - Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam. 

Thủ tướng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời khẳng định: “Việt Nam tự hào là một thành viên tích cực của LHQ. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, chúng tôi mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các thể chế đa phương và thực hiện những trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và LHQ”. 


P.V
.
.
.