Thủ tướng: “Nhiều vụ kỷ luật xảy ra nhưng không vì thế mà chùn bước trong thực thi công vụ”

Thứ Hai, 02/07/2018, 10:03
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, sáng nay, 2-7.

Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2018, những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm 2018.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị 6 tháng là hội nghị quan trọng, không chỉ đánh giá tình hình, làm rõ nhận định mà đặc biệt đánh giá sát những diễn biến trong nước và quốc tế, những kết quả đạt được, nhìn nhận những yếu kém, tồn tại, những nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Để từ đó chúng ta nói rõ hơn, xử lý cụ thể hơn, đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm” - Thủ tướng nói, đề nghị các đại biểu không nêu nhiều thành tích, nhiều tình hình mà cái chính là đưa ra những giải pháp xác đúng với đất nước, với các địa phương, vùng miền.

Thủ tướng cho biết, sau khi xin ý kiến, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập hợp 18 vấn đề cần tập trung cần thảo luận: Kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế vĩ mô, phát triển đô thị; vấn đề kinh tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…

“Tôi đề nghị các địa phương nêu rõ những khó khăn, trở  ngại; lãnh đạo các bộ ngành nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết. Theo thể chế của nước ta, vai trò của Bộ trưởng vô cùng quan trọng, với tư cách là “tư lệnh” lĩnh vực. Tôi đọc gần hết các báo cáo gửi lên, phần lớn các đồng chí có kiến nghị Chính phủ một phần nhưng cái chính là các bộ, ngành phải giải quyết kiến nghị để tạo ra sự đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương” – Thủ tướng yêu cầu.

Tóm tắt một số nét chính tình hình kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đánh giá một cách khái quát thì điều tốt nhất là  kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực và có nhiều chuyển biển tốt, toàn diện trên các lĩnh vực:

GDP 6 tháng tăng 6,01%. Điều đặc biệt là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: Nông nghiệp tăng cao nhất; thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp đều tăng cao hơn. Xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất lại khu vực châu Á.

“Đó là nhận định của người ta, rất khách quan, nhưng ta có làm được điều đó hay không là do chúng ta, phải quyết tâm, quyết liệt, đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Từng ngành, từng địa phương cần suy nghĩ phải làm gì để tăng trưởng”, Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần bằng 33% GDP; FDI tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt ngành tài chính thì tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 14,3%; xuất khẩu tăng 16%; tiếp tục xuất siêu trên 2,71 tỷ USD; nhiều sản phẩm mới được xuất khẩu cho các ngành ngành…

Toàn cảnh hội nghị

Chúng ta tiếp tục phát triển kinh tế đối ngoại, có nhiều thành công, nhất là nhiều Hiệp định mới được ký kết trong 6 tháng đầu năm như CPTPP, EU. Trên 64.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong 6 tháng…

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, điều đáng mừng nhất là an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Số hộ thiếu đói 6 tháng giảm mạnh đến gần 40%, tỷ lệ thất nghiệp thấp… Bộ máy và biên chế tiến bộ hơn so với cùng kỳ; quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tích cực, tạo không khí phấn khởi làm ăn, kinh doanh toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

Về vấn đề biểu tình ở một vài địa phương, Thủ tướng cho rằng đây là số ít, phần lớn nhân dân và nhà đầu tư yên tâm, ghi nhận sự chuyển biến tích cực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt 91% tin tưởng, ủng hộ đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

“Điều khái quát lớn mà chúng ta đang phấn đấu quyết liệt là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, rất nhiều ngành, địa phương năng động, sáng tạo trong phát triển, đóng góp nhiều cho đất nước. Nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch quyết liệt, năng động, trách nhiệm cao trong tìm lối đi, cách làm để phát triển địa phương mình. Nhiều địa phương đạt được kết quả rất đáng mừng”, Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. “Đây là thành quả hết sức quan trọng, chúng ta cần phát huy hơn trong thời gian tới. Nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, lăn xả vào công việc. Nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án xảy ra nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng nêu ra 3 vấn đề bức xúc, đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương tìm hướng giải quyết: Thiên tai đang rình rập chúng ta, không chỉ Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, không chỉ phía Nam, miền Trung…, sắp tới đây phải có giải pháp tốt hơn nữa phòng chống thiên tai.

Thứ hai là tình hình ANTT, ngày 10 và 11-6 vừa qua tại Bình Thuận là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong việc giữ gìn sự bình yên của nhân dân. Chúng ta có đủ khả năng, đủ điều kiện lập lại trật tự xã hội để mang lại bình yên cho nhân dân, đưa đất nước phát triển đúng hướng.

“Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp toàn quốc để bàn về vấn đề này. Đây là việc cần quan tâm, chúng ta không được để kẻ xấu, phản động kích động nhân dân” – Thủ tướng nêu rõ, khẳng định ANTT là điều kiện quan trọng, tiên quyết để ổn định môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba là những vấn đề xã hội còn bức xúc như an toàn giao thông, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, vệ sinh bệnh viện, tham nhũng, lợi ích nhóm...  Thủ tướng yêu cầu, qua những vấn đề đang diễn ra nhức nhối, các bộ ngành, địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình, không để bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định của đất nước, đến niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau.

“Lòng dân cần phải được quan tâm. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết trong đối thoại, xử lý, giải quyết công việc. Nhưng chúng ta phải lập lại kỷ cương đất nước. Dân chủ phải tập trung, dân chủ có số đông, kiên quyết xử lý nghiêm kẻ xấu đứng đầu chống đối xã hội.” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.


Quỳnh Vinh
.
.
.