Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách quốc tế

Thứ Sáu, 04/11/2016, 20:26
Chiều 3-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg và tiếp ông Phil Hogan, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách nông nghiệp.

Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg đến chào Thủ tướng nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu và hiệu quả mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam trong những năm qua.

Thủ tướng mong muốn Đại sứ Pereric Hogberg sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thụy Điển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều phải tăng lên nhiều lần so với mức 1,2 tỷ USD mà hai bên đạt được năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg.

Thủ tướng khẳng định, các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với Đại sứ để hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Nhắc lại việc đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Điển do Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Ann Linde dẫn đầu mới đây đã sang Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, Đại sứ nhìn nhận, chưa bao giờ có sự quan tâm lớn như vậy từ Thụy Điển đối với thị trường Việt Nam và cho biết thời gian tới, một số doanh nghiệp lớn của Thụy Điển sẽ đầu tư vào thị trường hơn 90 triệu dân này.

Đại sứ Pereric Hogberg cũng bày tỏ vui mừng trước thông tin mở đường bay thẳng từ Thụy Điển tới Phú Quốc mỗi tuần một lần để đưa khách du lịch Thụy Điển tới đảo này và kỳ vọng quan hệ hợp tác hai nước sẽ phát triển hơn nữa.

Ông cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Thụy Điển để khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam và thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao. “Những người bạn thân thiết thì cần gặp gỡ thường xuyên hơn”, Đại sứ chia sẻ.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Phil Hogan, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách nông nghiệp, nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam cùng đoàn hơn 40 doanh nghiệp lớn của châu Âu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Cao ủy Liên minh châu Âu.

Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại song phương (EVFTA) trong năm 2015. Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy và sớm ký kết EVFTA. Trong quá trình triển khai Hiệp định, đề nghị EU cân nhắc đến trình độ phát triển của Việt Nam và cùng Việt Nam xây dựng lộ trình thực hiện các cam kết. Thủ tướng mong muốn EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2016. Thủ tướng mong muốn EU hỗ trợ kỹ thuật để triển khai có hiệu quả Hiệp định, tạo dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn, đưa quan hệ hai bên sang một giai đoạn hợp tác mới, toàn diện và sâu sắc hơn.

Cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhìn nhận, số nhà đầu tư EU vào Việt Nam còn thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Thủ tướng nhất trí về đề xuất thành lập nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tốt nhất để bảo đảm an toàn thực phẩm xuất khẩu; cam kết nỗ lực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và quý hiếm.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phil Hogan cho biết hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn EVFTA đúng như kế hoạch để hai bên sớm ký kết.

Chia sẻ với những thiệt hại do lũ lụt mà người dân miền Trung Việt Nam gánh chịu, ông Phil Hogan bày tỏ, EU cam kết đồng hành cùng Việt Nam về kỹ thuật và tài chính để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ông Phil Hogan cho biết, đã thống nhất với Bộ NN&PTNT Việt Nam trao đổi thảo luận về vấn đề an toàn thực phẩm. Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ.

Các nhà đầu tư cùng đoàn đến Việt Nam lần này đều hiểu rõ Việt Nam không chỉ là một thị trường hấp dẫn, mà còn là điểm trung chuyển, cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp đánh giá cao Việt Nam là thị trường có môi trường chính trị ổn định và tin tưởng vào những cơ hội hợp tác khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do.

Đánh giá Việt Nam thực thi đúng cam kết về thương mại gỗ, sản phẩm gỗ, ông Phil Hogan ủng hộ những biện pháp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra về bảo vệ rừng, trong đó có việc kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên.

PV (theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
.
.
.