Cán bộ tòa án phải giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý

Thứ Hai, 21/12/2020, 15:03
Sáng 21/12, TAND tối cao tổ chức “Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021”. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, Tòa án Quân sự các cấp để Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án trên toàn quốc tham dự, theo dõi trực tiếp. Tại hội nghị đã công bố Cổng dịch vụ công TAND trên Cổng dịch vụ công quốc gia.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. 

Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Minh Khái, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp; Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của TAND tối cao, trong năm 2020, các Toà án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,4%. Tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu đề ra. Về xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai. Trong đó đã xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhung Trung ương theo dõi như vụ án Phan Văn Anh Vũ, vụ án Đinh Ngọc Hệ, vụ án Đinh La Thăng, vụ án liên quan đến ông Trần Bắc Hà... 

Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, tăng cường tính răn đe, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức công bố Cổng dịch vụ công TAND trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Về giải quyết các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 36.354 vụ, đã giải quyết được 32.466 vụ, đạt tỉ lệ 89,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã chú trọng việc tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện. 

Với việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nên tỉ lệ giải quyết loại án này trong những năm gần đây đã có tiến bộ và đến nay không còn vụ án nào để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên cổng thông tin điện tử của ngành Toà án được thực hiện có hiệu quả. Qua đó đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định với tổng lượng truy cập là hơn 22 triệu lượt...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng Nhà nước dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 78 trụ sở Tòa án mới khang trang, hiện đại, với tổng kinh phí đầu tư gần 5.400 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các Toà án đã có trụ sở làm việc, đáp ứng yêu cầu xét xử. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo.

Thủ tướng chỉ đạo, chúng ta phải tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của Tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, từ đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động Tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp.

Thủ tướng yêu cầu, khi giải quyết các vụ án hình sự, phải bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiên quyết khắc phục cả hai xu hướng “hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và xu hướng “dân sự hóa” các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, hành vi phạm tội hình sự. 

Trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự, Toà án cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, bảo đảm không để án quá hạn theo quy định của pháp luật; phấn đấu cải thiện, nâng hạng chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Việt Nam xếp hạng dưới 100 theo chuẩn quốc tế.

Hội nghị công tác TAND năm 2021.

Thủ tướng nhấn mạnh, Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, nhận khuyết điểm, sửa chữa. Qua công tác xét xử, Tòa án cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

 Cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống Tòa án phải quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. 

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án.

Thủ tướng nêu rõ, bản án xét xử tội phạm tham nhũng phải góp phần kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, qua đó, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Toà án tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, mỗi cán bộ tòa án phải giữ vững cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người cầm cân nảy mực, bảo vệ công lý. Phải chăm lo xây dựng được đội ngũ thẩm phán “thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và mẫu mực về đạo đức”. Thẩm phán phải là “người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật”. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác xét xử để khắc phục; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống để xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh.

“Việc xây dựng hệ thống Tòa án trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không chỉ là trách nhiệm của Tòa án mà còn là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Mong tất cả các đồng chí, những “Chiến sĩ bảo vệ công lý” luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Hưng
.
.
.