Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân

Thứ Bảy, 30/04/2016, 12:45
Sáng 30/4, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với khoảng 3.000 công nhân của 8 địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự cuộc gặp gỡ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành mong muốn lắng nghe ý kiến của công nhân để từ tiếng nói đó sẽ hoàn thiện các chính sách giúp công nhân có cuộc sống tốt hơn”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng đã trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, mong mỏi của công nhân về các vấn đề như các giải pháp nâng cao tiền lương; bình ổn giá cả thị trường để đời sống công nhân không gặp khó khăn; bảo hiểm xã hội của công nhân; xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, khu nhà ở đi kèm với xây dựng khu công nghiệp; quan tâm hơn nữa đến bữa ăn của công nhân lao động...

Chăm lo bữa ăn cho công nhân

Trả lời câu hỏi của công nhân Vũ Duy Thơ đến từ Khu công nghiệp ở Biên Hoà, Đồng Nai: “Hiện nay mức lương tối thiểu của công nhân còn thấp. Thủ tướng có chỉ đạo gì để nâng cao mức lương, thu nhập cho người công nhân?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống công nhân, cụ thể là mức lương, thu nhập của người lao động. Trên đường vào đây, Thủ tướng có hỏi và được biết có công nhân thu nhập 5 triệu đồng, có người 10 triệu đồng.

“Vừa qua, sau khi thảo luận với các cơ quan liên quan, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định nâng mức lương tối thiểu lên 12%. Việc tăng lương giúp đời sống công nhân tốt hơn,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm cải thiện tiền lương, thu nhập của công nhân lao động, sớm đáp ứng nhu cầu tối thiểu và có tích lũy; đồng thời sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khống chế việc tăng giá bất hợp lý, bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu.

“Chúng tôi hiểu một bộ phận công nhân còn khó khăn và Nhà nước còn phải làm nhiều việc hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các công nhân - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việc đầu tiên, công đoàn cơ sở phải công khai thực đơn, giá cả từng bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10.000 hay 15.000 đồng cũng phải công khai; quyết không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, không để bữa ăn công nhân bị bớt xén.

Để tìm được nguồn thực phẩm sạch, trước hết phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp sử dụng: Mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để nếu xảy ra ngộ độc thì lãnh đạo xã, phường, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm. Nâng cao tay nghề: “Vũ khí” thành công Anh Phan Thanh Tùng, Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt vấn đề về việc hiện có nhiều doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động và mong muốn Thủ tướng có biện pháp đối với tình trạng này. Khẳng định  BHXH là một trong 3 trụ cột của chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn quan tâm công tác này, đã xây dựng các văn bản pháp luật, trình Quốc hội thông qua.

Sắp tới đây, theo luật mới, cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp; lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định về tội danh trốn đóng BHXH, trong đó có những hình phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm về BHXH, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù, doanh nghiệp trốn đóng BHXH bị xử phạt đến 3 tỉ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 3.000 công nhân của 8 địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Về vấn đề nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng những khu vui chơi, giải trí phục vụ công nhân lao động.. Doanh nghiệp xây dựng khu vui chơi, giải trí dành cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp tập trung đông công nhân sẽ được giao đất hay thuê đất với giá ưu đãi; miễn thuế hay giảm thuế thu nhập.

Trước câu hỏi về hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề, Thủ tướng trả lời: Đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là về kinh tế. Cộng đồng ASEAN đã được thành lập, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác… Đây vừa là thời cơ thuận lợi nhưng cũng là cuộc cạnh tranh đối với từng công nhân, người lao động.

Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, công nhân phải rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ. Nếu có chuyên môn tốt thì ở bất kỳ đâu người lao động cũng đều được sử dụng. Người chủ sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho công nhân học tập để ứng phó với cạnh tranh. Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi, mà cần giúp công nhân rèn luyện tay nghề..

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đại diện công nhân tại các khu công nghiệp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 24 chiếc vô tuyến màn hình lớn cho các khu nhà công nhân tập trung ở các khu công nghiệp của 8 tỉnh, thành phố để công nhân có thêm phương tiện giải trí sau giờ tan ca và tặng bút cho các công nhân với mong muốn: “Ngoài sự cần cù, chịu khó, công nhân lao động phải không ngừng trau dồi nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, trau dồi ngoại ngữ, có tay nghề tốt thì chắc chắn sẽ thành công”.

Theo Chinhphu.vn
.
.
.