Thủ tướng lo lắng "trên nóng, dưới lạnh" cán bộ xa dân
- Chính phủ kiến tạo chính là động lực để phát triển1
- Chính phủ kiến tạo
- Không được phép quan liêu trong câu chuyện quy hoạch
- Xử lý cán bộ quan liêu, sách nhiễu dân
Chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển
Trong phần chất vấn của mình, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về phương thức làm việc hay mô hình của Chính phủ mới? Nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo có những điểm mới nào so với mô hình quản lý truyền thống?
Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển. Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường và nhân dân, cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân, xã hội làm. Thứ ba, Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Môi trường kinh doanh của nước ta không chỉ dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển. Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân.
Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phục vụ tốt nhất cho người dân, mà trước hết là phục vụ y tế và giáo dục. Thứ năm, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay theo thẩm quyền khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng nhấn mạnh. Thứ sáu, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử...
Thủ tướng cũng nêu rõ, sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành là Chính phủ kiến tạo có sự chủ động hơn về chính sách, pháp luật, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Chính phủ điều hành là Chính phủ chỉ thực hiện trên chính sách, pháp luật.
Hoan nghênh việc xây dựng đô thị thông minh bài bản
Về chủ trương xây dựng đô thị thông minh, Thủ tướng nhấn mạnh đây là xu thế của thế giới. Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân... Hiện một số địa phương đã triển khai như TPHCM, Bình Dương...
Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn, đồng thời cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có con người... nếu không sẽ thất bại.
Về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quyết tâm phòng chống tham nhũng; chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, không có vùng cấm và phải công khai kết quả xử lý các vụ án tham nhũng để nhân dân biết, giám sát, tin tưởng...
Trả lời câu hỏi đại đại biểu Kim Thúy (Đà Nẵng) về vấn đề phá rừng, Thủ tướng cho biết: Khi đi thực tế tại địa phương tôi thấy rằng tình trạng phá rừng tự nhiên rất nghiêm trọng. Vì vậy, tôi đã về báo cáo Ban Bí thư và Ban Bí thư đã ra chỉ thị số 13 để ngăn chặn thực trạng này. Sau đó, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng mừng. Nhiều địa phương đã xử lý nghiêm thực trạng phá rừng từ Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Điện Biên…
Chính quyền ngày càng tốt hơn trong việc ngăn chặn phá rừng tự nhiên. Chỉ tiêu che phủ rừng chúng ta đã đạt kế hoạch theo chỉ tiêu Quốc hội giao. “Tôi hy vọng phong trào vì lợi ích 10 năm trồng cây và 100 năm trồng người sẽ được triển khai tốt hơn. Chúng ta sẽ quán triệt tinh thần để Việt Nam không phải những cánh đồng, những núi đồi xơ xác mà phải bạt ngàn rừng xanh” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Mỹ rút khỏi TPP chúng ta vẫn có lợi
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc về việc TPP không có sự tham gia của Mỹ, Thủ tướng cho biết: Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã đồng ý việc tham gia TPP 11 nước. Mỹ là nền kinh tế lớn. Nhưng Australia, Nhật và các thành viên khác cũng là những nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới mà Việt Nam phải tận dụng. Xu hướng tự do thương mại là xu thế không đảo ngược của kinh tế thế giới.
“Hoa Kỳ là thị trường lớn nên sẽ có lợi hơn, nhưng không có Hoa Kỳ sẽ vẫn có lợi”, Thủ tướng nêu rõ và cho biết, Việt Nam quyết tâm cùng các thành viên tiếp tục nỗ lực sớm triển khai Hiệp định CPTPP trên tinh thần cân bằng lợi ích, bảo vệ lợi ích quốc gia lên trên hết trong quá trình đàm phán.
Về quản lý doanh nghiệp FDI, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp FDI trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam với nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những tiến bộ, còn một số tồn tại, bất cập cần xử lý như: Một số doanh nghiệp FDI công nghệ còn thấp; còn có tình trạng chuyển giá, trốn thuế; một số doanh nghiệp vi phạm về một trường...
Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới trong thu hút, quản lý doanh nghiệp FDI, không thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để hai chủ thể này cùng phát triển có lợi...
Thủ tướng lo “trên nóng, dưới lạnh”, cán bộ “quan liêu, xa dân”
Trả lời câu hỏi Thủ tướng lo lắng gì nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Đảng ta đã nhận định từ lâu các nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, gần đây theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Và lo lắng nữa là hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. “Xa dân, quan liêu là điểm phải lo lắng nếu có ở bộ máy của ta”, Thủ tướng nói, “không phải tất cả, nhưng điều đó rất nguy hiểm”.
Do đó, phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” Đại hội Đảng ta đã chỉ ra, đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách, phát huy tiềm năng đất nước.
Tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu thành công
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng cho biết chúng ta đã có chủ trương, Chính phủ đã triển khai và đã bước đầu thành công. Chính phủ thực hiện rất nghiêm túc đề án tái cơ cấu nền kinh tế và chúng ta đã có những bước tăng trưởng rất bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc kiểm tra vấn đề tăng trưởng bền vững. Doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng, đầu tư công và nhất là tình trạng nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, sẽ tiếp tục đôn đốc xử lý. Tiếp tục chỉ đạo hình thành các vùng chiến lược về kinh tế để chúng ta có sự phát triển bền vững. Chúng tôi đề nghị, mọi cơ quan, mọi doanh nghiệp quyết liệt tái cơ cấu một cách mạnh mẽ.
Về ý kiến của ĐB Bùi Văn Xuyền về tình trạng đầu tư công tràn lan khó kiểm soát, Thủ tướng cho biết, “khi có Luật đầu tư công chúng ta đã kiểm soát được vấn đề này. Chúng tôi đang trình với Thường vụ Quốc hội, Quốc hội một khoản kinh phí cần thiết để giải quyết các danh mục, hạng mục kinh tế cần thiết để tháo gỡ các điểm tác nghẽn của nền kinh tế. Quy trình, thủ tục, chủ trương đối với các công trình này rất rõ ràng”.
Xử lý nghiêm bộ ngành nào ‘mọc’ thêm điều kiện kinh doanh
Về việc bỏ giấy phép con, Thủ tướng cho biết chúng ta có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 4200 điều kiện kinh doanh, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành bỏ 1/3 các điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương công bố cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh (chiếm 50%), các bộ Nông nghiệp, Tài nguyên & Môi trường đã cắt bỏ hơn 1/3 điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ đang tích cực rà soát như bộ Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
"Chúng tôi sắp ban hành nghị định để quy định về điều kiện kinh doanh chứ không phải cắt thủ tục này lại mọc ra thủ tục khác. Chính phủ thiết lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận về vấn đề điều kiện kinh doanh. Nếu bộ ngành nào mọc thêm điều kiện kinh doanh thì xử lý nghiêm", Thủ tướng cho biết.