Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chú trọng phát hiện và trọng dụng nhân tài
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone- S
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất giải pháp tăng cường kết nối trong hợp tác ASEM
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp bàn vế giải ngân kế hoạch đầu tư công
Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện các Bộ, ngành trung ương và lãnh đạo lão thành của Bộ GD&ĐT qua các thời kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. |
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù còn rất nhiều việc phải làm nhưng trong thời gian qua ngành giáo dục đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các địa phương. Nhiều tỉnh, thành dù rất khó khăn nhưng đã cố gắng nỗ lực đầu tư cho giáo dục.
Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta đang trong quá trình đổi mới, mà đã đổi mới thì không thể làm ngay một lúc, sẽ phải có các bước trung gian, không thể toàn vẹn. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong quan điểm, sự đồng thuận của báo chí và dư luận xã hội”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bước đi không thể thay đổi, triết lý giáo dục không thay đổi, nguyên tắc phù hợp với xu thế thế giới là không thay đổi nhưng phải có sự kiên trì và những bước đi phù hợp. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục khai mở trí tuệ, bồi dưỡng lòng yêu nước trong thế hệ trẻ kết hợp với xây dựng tiêu chí của công dân toàn cầu phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận ngành giáo dục đã bước đầu triển khai toàn diện đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng mở, khơi gợi tư duy, sáng tạo. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã khắc phục những bất cập của năm trước, tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình, xua tan căng thẳng và áp lực của xã hội đối với thi cử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của giáo dục hiện tại như giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống. Ngoài thiếu kỹ năng sống, nhìn chung học sinh Việt Nam còn yếu ngoại ngữ. Giáo dục nghề nghiệp từ trung cấp chuyên nghiệp đến đại học còn chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó doanh nghiệp thì "kêu" thiếu nhân lực trình độ chuyên môn cao.
Số lượng đại học tăng nhanh nhưng chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội; công tác quản lý nhà nước về giáo dục còn chậm đổi mới; đầu tư cho giáo dục chưa thật hiệu quả; cơ chế, chính sách tài chính chưa phù hợp; chất lượng và cơ cấu cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu …
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong năm học mới 2016-2017, toàn ngành giáo dục cần tập trung vào việc triển khai sâu rộng các nhiệm vụ của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng. Rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, không phù hợp để hoàn chỉnh. Xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ của toàn hệ thống.
Về giáo dục phổ thông, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nền tảng của giáo dục nói chung, vì thế cần đảm bảo chương trình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm bảo tính hiện đại, hội nhập, giảm tải nhanh, không nặng về khối lượng, mà phát triển toàn diện văn thể mỹ. Cần dạy cho học sinh biết yêu lịch sử, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, biết sống có trách nhiệm trong tập thể, trong xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. |
Chú ý giáo dục thể chất để tạo một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa. Về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, theo Thủ tướng, cần đảm bảo chất lượng và đáp ứng thị trường lao động, hướng tới xây dựng công dân toàn cầu.
Khuyến khích liên kết nhà trường với doanh nghiệp, thị trường lao động. Đẩy mạnh tự chủ đại học một cách thực chất và đồng bộ đi đôi với vai trò người đứng đầu. Cần xác định rõ ràng trách nhiệm xã hội của trường đại học, xây dựng môi trường quản lý lành mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Hội nghị. |
Thủ tướng cũng gửi gắm tới ngành giáo dục câu nói nổi tiếng của Nguyễn Trãi: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều hiền tài để làm rạng danh cho Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có cái nhìn bớt khắt khe hơn về dạy thêm Thực hiện tự chủ đại học sẽ liên quan đến tăng học phí. Điều này sẽ tác động tới một bộ phận người nghèo. Vì thế cần nghiên cứu học phí theo đúng xu thế. Việc dạy thêm dù rất nỗ lực nhưng chúng ta cũng không thể cấm hoàn toàn bởi vì hiện nay số trường lớp để đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày còn rất thiếu. Học sinh các nước đều học 2 buổi/ngày, học sinh chúng ta dù có thông minh đến mấy nhưng chỉ được học 1 buổi/ngày thì cũng không thể bù lại được. Vì vậy, xã hội cũng cần có cái nhìn bớt khắt khe hơn về vấn đề này. |