Thứ trưởng Lê Quý Vương nói về “đại án” Hà Văn Thắm

Thứ Ba, 25/10/2016, 15:37
Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 2, sáng 25-10, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện các cơ quan tố tụng đang hoàn thiện kết luận bổ sung và dự kiến tháng 12 tới đây sẽ đưa xét xử vụ án Hà Văn Thắm.


Thứ trưởng Lê Quý Vương đánh giá, đây là vụ án rất phức tạp, một trong 6 “đại án” mà Tổng Bí thư chỉ đạo điều tra, xử lý, đồng thời cũng là một vụ án điển hình trong lĩnh vực hoạt động của ngân hàng.

Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định đây là vụ việc có sự tham gia của nhiều người, dưới sự chỉ đạo của một nhóm lợi ích, của một cá nhân chỉ đạo thông qua hoạt động ngân hàng. Trong đó, thủ đoạn chính là lập các công ty con dưới danh nghĩa là công ty lớn, có quy mô trên thị trường, chuyển tiền lòng vòng giữa công ty này công ty kia, mua bán bất động sản… Nguy hiểm nhất là các công ty này đầu tư không đúng với hoạt động của công ty, trái ngành nghề, nên dễ dẫn đến sụp đổ.

“Nhìn tổng thể thì một đặc điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam là chủ yếu huy động tín dụng, tiền gửi từ người dân theo kì hạn, hoặc không kì hạn. Nhưng ngân hàng lại dùng tiền đó cho các công ty, tổ chức vay đầu tư theo dài hạn 5 năm, 10 năm. Anh lấy tiền ngắn hạn để đầu tư dài hạn là rất dễ rủi ro. Khó quản lý trong điều hành tiền tệ. Đây là một bất cập” – Thứ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Lê Quý Vương

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, ở các nước phát triển họ tập trung vào thị trường chứng khoán, phát triển trái phiếu, cổ phiếu… Tất cả giao dịch trên sàn chứng khoán là huy động nguồn tiền theo thị trường. Còn ở Việt Nam, ngân hàng cứ nhăm nhăm tiền của dân. Ở Nhật, tiền gửi ngân hàng bằng 0, thậm chí anh còn phải bỏ phí nhờ giữ hộ, bảo vệ tiền, còn Việt Nam ngân hàng phải trả lãi cho khách hàng.

Thứ trưởng đề nghị cần phải chuyển đổi cách quản lý của nhà nước và cách huy động nguồn vốn. Bởi từ thực tế trên đã nảy sinh ra hàng loạt thao tác ngân hàng như thẩm định, thế chấp tài sản đảm bảo… gặp nhiều rủi ro. Nhất là bất động sản, lúc lên lúc xuống, thăng trầm. “Nhiều khi anh đầu tư đất đai bỏ ra khoản lớn nhưng thời gian sau giá đất xuống, dòng tiền ứ đọng, phát sinh lãi lớn, gánh lãi suất, dẫn đến nợ xấu, không có khả năng trả nợ... Do đó, cần đổi mới mô hình quản lý hệ thống ngân hàng”.

Chia sẻ về những khó khăn trong điều tra vụ án Hà Văn Thắm, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, phạm vi điều tra trong một ngân hàng nhưng bán kính rất rộng, hoạt động liên quan nhiều đơn vị, công ty con. “Phải thu thập tài liệu chứng minh từ chủ trương của Hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty, các công ty con… Tất cả phải qua hệ thống kế toán mới làm rõ các chi tiết. Không chỉ mấy trang hồ sơ, mà hàng tạ hồ sơ. Như vụ Huyền Như, cơ quan Công an phải chuyển mấy tạ hồ sơ để tòa án nghiên cứu. Bên cạnh đó, từ tài liệu bóc tách ra hành vi sai phạm cũng khó khăn, liên quan đến chuyên môn ngân hàng có đặc thù, cần am hiểu kĩ…” – đồng chí Thứ trưởng lý giải.

Nêu quan điểm về việc điều tra, xử lý vụ án này, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, tất cả các vụ án hình sự đều phải được điều tra khách quan, minh bạch, triệt để và không có “vùng cấm”.

Liên quan đến vụ án Giang Kim Đạt, Thứ trưởng Lê Quý Vương đánh giá đây là vụ án điển hình của tội phạm tham nhũng và rửa tiền. “Con thì tham ô, bố thì rửa tiền. Chính vì thế, sau khi đối tượng Giang Kim Đạt bỏ trốn ra nước ngoài thì lực lượng Công an đã quyết tâm cao truy bắt bằng được” - Thứ trưởng Lê Quý Vương nói, khẳng định có được những kết quả vừa qua là từ chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nỗ lực của các cơ quan trong điều tra, truy tố, xét xử và sự nỗ lực, cố gắng của anh em điều tra…


An Quỳnh
.
.
.