Thống nhất giữ nguyên tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên

Thứ Tư, 14/08/2019, 15:39
“Nếu có từ “lực lượng” thì mới bao hàm được cả vật chất và con người, cũng không ảnh hưởng đến việc thiết kế luật này. Đề nghị cân nhắc vì nếu tiết kiệm 2 chữ mà tối nghĩa thì không hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói. 

Chiều nay, 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV).

Vấn đề tên gọi của dự thảo luật tiếp tục được nhiều thành viên UBTVQH đưa ra mổ xẻ, phân tích. Theo báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt trình bày, một số ý kiến nhất trí với tên Luật như dự thảo Luật Chính phủ trình, vì cho rằng tên gọi này là không trái quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thảo luận tại phiên họp

Theo đó, LLDBĐV gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã sắp xếp để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội. Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV không có gì vướng mắc.

Tuy nhiên Thường trực UBQPAN lại nhất trí với loại ý kiến cho rằng, tên Luật không phù hợp với Hiến pháp và Luật Quốc phòng quy định LLDBĐV chỉ là con người, nên đề nghị sửa lại là “Luật Dự bị động viên” hoặc “Luật về lực lượng và phương tiện dự bị động viên”,“Luật LLDBĐV và phương tiện kỹ thuật” để bao quát con người và phương tiện kỹ thuật, phù hợp với nội dung của dự thảo Luật.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo giải trình thêm tại phiên họp, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viện dẫn Điều 66 Hiến pháp quy định: “Nhà nước xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, LLDBĐV hùng hậu, ... là nòng cốt cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”;

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Khoản 1 Điều 25 Luật Quốc phòng quy định: “QĐND là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và LLDBĐV. Lực lượng thường trực của QĐND có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương”. Do đó, Ban soạn thảo trình tên gọi là LLDBĐV.

Để đảm bảo theo ý kiến đa số tại Kỳ họp thứ 7 và ý kiến của UBQPAN lần này thì thống nhất sửa lại tên gọi là Luật Dự bị động viên, vì điều này cũng không làm thay đổi bản chất vấn đề.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, nếu giữ nguyên tên gọi Luật LLDBĐV thì vẫn phù hợp với Hiến pháp, Luật Quốc phòng và cũng không phải thay đổi. Còn nếu đưa ra tên gọi mới thì cũng không sai, hiểu rộng ra là cả con người và phương tiện. Tuy nhiên từ xưa đến nay chúng ta vẫn quy định thế thì tại sao phải thay đổi làm gì?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

“Nếu có từ “lực lượng” thì mới bao hàm được cả vật chất và con người, cũng không ảnh hưởng đến việc thiết kế luật này. Đề nghị cân nhắc vì nếu tiết kiệm 2 chữ mà tối nghĩa thì không hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói. Bà khẳng định tên gọi này đã đi vào tiềm thức của người dân và Hiến pháp cũng gọi như thế, lại không có luật gì chồng chéo cả thì nên giữ nguyên.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng các thành viên đang tranh luận về một vấn đề mà bản chất của hai tên gọi chẳng có gì khác nhau. “Trước đây chúng ta có Pháp lệnh LLDBĐV thì bây giờ chúng ta nâng lên thành luật. Điều 66 Hiến pháp có nhắc đến LLDBĐV, chúng ta hiểu là bao gồm con người và phương tiện kỹ thuật. Do đó không nên sửa vì từ xưa đến giờ chúng ta đã thực hiện theo tên gọi đấy”, ông phân tích.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, UBTVQH thống nhất giữ nguyên tên gọi Luật LLDBĐV như Chính phủ đã trình; đồng thời đề nghị rà soát kỹ tất cả các nội dung để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp Thường trực UBQPAN phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến các thành viên UBTVQH trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.


An Quỳnh
.
.
.