Thêm một dấu son trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 02/06/2017, 08:17
Nửa năm sau khi ông Donald Trump đảm nhiệm cương vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Chính phủ đầu tiên trong ASEAN thực hiện chuyến thăm chính thức tới xứ sở cờ hoa. Cùng với kết quả từ cuộc gặp, hội đàm giữa hai vị lãnh đạo tại Nhà Trắng, những thỏa thuận thương mại lớn trị giá khoảng 10 tỉ USD được ký kết, khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, khắc ghi thêm một dấu son trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Sau 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với phương châm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và sự khác biệt về thể chế, đưa quan hệ từ chỗ cựu thù thành “Đối tác toàn diện”. Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng gấp 5 lần. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước liên tục tăng trưởng (khoảng 100 lần trong 20 năm qua), từ mức 500 triệu USD năm 1995 lên gần 50 tỉ USD vào năm 2016.

Hiện Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8 ở Việt Nam với 815 dự án, tổng vốn đăng kí đạt trên 10 tỉ USD. Nền kinh tế của hai nước có thể bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp nên còn rất nhiều cơ hội để mở rộng hợp tác, phát triển.

Có thể khẳng định, quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, hợp tác văn hóa, giáo dục và nhiều lĩnh vực giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Hoa Kỳ đã mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức (tháng 7-2015), có cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Hoa Kỳ với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Người tiền nhiệm của ông Donald Trump khi đó là Tổng thống Barck Obama đã khẳng định “Việt – Mỹ vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai”.

Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Không ai có thể hình dung tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ… Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã chuyển thành những người bạn, đối tác và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta". 

Nhìn lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta không khỏi tiếc nuối những cơ hội bị bỏ lỡ, để rút ra những bài học và định hình, xây dựng mối quan hệ cho tương lai. Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn những giá trị Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II chưa kết thúc, từ giữa năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đích thân sang Trung Quốc gặp gỡ phái bộ quân sự Mỹ, khẳng định Việt Minh kiên quyết đứng về phe Đồng Minh từ năm 1941 để đánh đuổi phát xít.

Trong năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thông điệp tới Chính phủ Hoa Kỳ, khẳng định Việt Minh (sau 19-8-1945 là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) là bạn của Đồng Minh, là người đại diện hợp pháp của nhân dân Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Việt Nam… Chỉ trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, 3 thư và điện gửi Ngoại trưởng James Byrnes.

Đặc biệt, trong bức thư viết tháng 2 - 1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn Việt Nam được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ… Rất tiếc, vì nhiều lý do, đặc biệt là xuất hiện mầm mống của “Chiến tranh lạnh” và đối đầu Đông – Tây nên những nguyện vọng của  nhân dân Việt Nam đều không được hồi đáp...

Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước và xu thế hợp tác, phát triển toàn cầu. Kết thúc cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, trong Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ khẳng định: Hai  nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy các cơ hội thông qua việc tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên việc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau.

Hai bên đồng ý tiếp tục tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, bao gồm qua cả đối thoại thường kỳ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Hoa Kỳ để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các cơ chế đối thoại hiện có, trong đó có quan hệ kênh Đảng… Tổng thống Donald Trump bày tỏ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APEC 2017 và cho biết ông mong chờ chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11.

Hai nhà lãnh đạo cam kết tích cực tăng cường quan hệ kinh tế cùng có lợi và ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy thịnh vượng cho cả hai nước… Tuyên bố cũng nhấn mạnh: “Hai nhà lãnh đạo đã mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ Đối tác toàn diện được tăng cường; nhất trí thúc đẩy mối quan hệ này sâu sắc, thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”…

Trần Duy Hiển
.
.
.