Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp theo vụ việc, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải

Thứ Sáu, 10/01/2020, 20:46
Ngày 10-1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.


Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ, theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật. 

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Thảo luận, cho ý kiến về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25), nhiều ý đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng trường hợp cùng một đối tượng giám định nhưng phải giám định nhiều nội dung khác nhau mà liên quan mật thiết với nhau thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các cơ quan giám định. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP

Qua tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho chỉnh lý khoản 4 Điều 25 của dự thảo Luật theo hướng: kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư 01 đang được thực hiện ổn định, hiệu quả. 

Qua thảo luận, cơ bản các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tại Kỳ họp thứ 8.

Quy định về thời hạn giám định, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định như trong dự thảo Luật là từ 3 đến 4 tháng; với những vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn thêm nhưng không được quá 1/2 thời hạn được quy định trong luật.

Toàn cảnh phiên họp

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 11 quy định như sau: Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, giám định viên tư pháp phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Nếu tính cả hai ngày cuối tuần thì phải sau 7 ngày giám định viên tư pháp mới thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, sau đó người trưng cầu, người yêu cầu giám định mới có quyền quyết định tự trưng cầu giám định.

Theo Trưởng ban Dân nguyện, đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, nếu phải chờ đến 7 ngày là quá dài trong khi đây là những vụ việc đặc thù, chứng cứ không còn nữa. Trưởng ban Dân nguyện đề nghị cân nhắc về việc những vụ việc xâm hại trẻ em thì nên rút ngắn thời hạn.

Cho ý kiến thảo luận về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình điều tra các vụ án, yêu cầu chứng minh tội phạm là yêu cầu bắt buộc, cho nên trong nhiều vụ việc nếu thấy cần thiết, cơ quan điều tra đều có thể yêu cầu giám định ngay để phục vụ điều tra, phá án. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng cho rằng công tác giám định, nhất là trong những vụ liên quan đến xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em là rất phức tạp, cho nên vấn đề rút ngắn được thời hạn xuống dưới thời hạn quy định tối đa là 7 ngày hiện nay được hay không còn liên quan đến rất nhiều yếu tố khách quan khách, ví dụ như có động viên được các cháu chịu đi giám định hay không và cha mẹ, người giám hộ của các cháu có đồng ý cho các cháu đi giám định hay không…

Mặt khác, về mặt kỹ thuật giám định, trong khi làm giám định sinh học đối với những vụ liên quan đến xâm hại phụ nữ trẻ em không thể dễ dàng có được kết quả trong ngày một ngày hai. 

Mà đòi hỏi lực lượng làm công tác giám định phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, phải trải qua một khoảng thời gian nhiều ngày mới sàng lọc ra được kết quả chính xác ADN.  Bởi vậy, theo quan điểm của Bộ Công an thời hạn giám định tối đa 7 ngày như quy định hiện nay là phù hợp.

Cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo là tán thành việc mở rộng phạm vi hoạt động của Hòa giải viên. 

Theo đó, ngoài hoạt động tại Tòa án nơi Hòa giải viên được bổ nhiệm, Hòa giải viên có thể hoạt động tại Tòa án khác nhưng phải trong phạm vi địa giới hành chính của Tòa án cấp tỉnh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định như vậy là giải pháp tối ưu, nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được Hòa giải viên mà họ tín nhiệm. 

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương tại phiên họp

Đồng thời, với phạm vi hoạt động của Hòa giải viên trong một đơn vị cấp tỉnh, thì Tòa án vẫn có điều kiện đánh giá, giám sát chặt chẽ chất lượng Hòa giải viên và kịp thời đề nghị Chánh án có thẩm quyền miễn nhiệm những Hòa giải viên không đáp ứng yêu cầu công việc. 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc nên giữ lại như quy định của dự thảo Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Theo quy định này thì phạm vi hoạt động của Hòa giải viên giới hạn trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, bảo đảm mối liên hệ chặt chẽ giữa Hòa giải viên với Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc, đề cao trách nhiệm quản lý của Tòa án đối với Hòa giải viên và tạo điều kiện cho Hòa giải viên thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tâm Minh
.
.
.