Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên

Thứ Hai, 12/08/2019, 18:52
Sáng 12-8, tại TP Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung, Tây Nguyên”. 

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ KH&ĐT cùng lãnh đạo UBND, Ban Quản lý khu kinh tế - khu công nghiệp, Cục thống kê các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng miền Trung, Tây Nguyên đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung đạt 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, hiện động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có, chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ từ một số hành lang kinh tế. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhận định, cũng như nhiều tỉnh thành ở vùng miền Trung, Tây Nguyên, hiện địa phương còn gặp nhiều khó khăn về hệ thống hạ tầng, quy mô sản xuất kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do đó cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các Bộ, ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển vùng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.                                       

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung đánh giá, hiện miền Trung rất có lợi thế về phát triển kinh tế biển khi có gần 1.900km bờ biển. Còn Tây Nguyên là nóc nhà của các tỉnh miền Trung, vì thế sự gắn kết giữa hai vùng sẽ tạo sự phát triển cao hơn. 

Trong kết nối này, quan trọng nhất là kết nối giao thông, kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực là cần thiết và nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. 

Anh Khoa
.
.
.