Bí thư Đinh La Thăng:

Thành phố sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai, nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

Thứ Sáu, 04/03/2016, 15:38

Sáng 4-3, tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020” đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy đã đến dự và phát biểu.

 

Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nêu rõ : “Tôi muốn tham dự hội nghị này với mục đích nắm thêm về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, đặc biệt là muốn gặp gỡ lãnh đạo Bộ Y tế để gửi gắm những trăn trở hiện nay của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nói riêng, y tế cả nước nói chung ở 4 lĩnh vực gồm: Các biện pháp giảm tải bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Các biện pháp cải cách thủ tục khám chữa bệnh; Các biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý ngành Dược”.

Thông qua lãnh đạo của ngành y tế có mặt tại hội nghị, Bí thư cũng nhắn gửi tới những người đang hoạt động công tác trong ngành Y, rằng : “Người bệnh còn rất khổ, rất vất vả!”. Đồng thời phân tích : với dân số 8,3 triệu người cùng một lượng khách vãng lai, khách quốc tế tới TP Hồ Chí Minh hàng ngày, tình trạng quá tải bệnh viện của TP Hồ Chí Minh vẫn là vấn đề gây nhức nhối. Việc nhân rộng mô hình BSGĐ thực sự cần thiết và quan trọng. Do đó, Bộ Y tế cần đưa ra mục tiêu cụ thể hơn như bao nhiêu % người dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2020 sẽ tham gia mô hình này, đồng thời mô hình này không thể thành công nếu chỉ có ngành y tế tham gia, cần có cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, Chính phủ chỉ đạo…


Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị.

Được biết, mặc dù dự án phát triển đào tạo BSGĐ được Bộ Y tế phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến 2002, trung tâm đào tạo BSGĐ mới được thành lập tại một số trường Đại học y khoa. Hoạt động BSGĐ bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, và Cần Thơ… Tuy nhiên, theo Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mới chỉ 43% trạm y tế xã phường đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để lập phòng khám BSGĐ. Vì vậy, hầu hết người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên để điều trị mà không thông qua khám, chỉ định cũng như giới thiệu chuyển tuyến của BSGĐ.

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý &Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện, có 240 phòng khám BSGĐ được triển khai trên 6 tỉnh thành. Theo đó, các phòng khám này đã thực hiện được 3.812 ca cấp cứu, khám chữa bệnh cho 807.720 lượt; thực hiện 12.024 ca thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca; khám bệnh tại nhà cho hơn 3.094 ca và đã nhận được hàng chục ngàn cuộc gọi xin tư vấn từ phía bệnh nhân có nhu cầu. …


Mô hình BSGĐ vẫn chưa thu hút được bệnh nhân, thực tế, hầu hết người dân khi bị bệnh đều tự ý đến bệnh viện tuyến trên để điều trị.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mô hình BSGĐ khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

Tại cuộc họp, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng khẳng định: “Riêng TP Hồ Chí Minh sẽ cam kết hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tạo điều kiện triển khai và nhân rộng BSGĐ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và góp phần giảm tải bệnh viện”.

H.Nga
.
.
.