Thắng lợi vĩ đại của chính nghĩa và tình đoàn kết truyền thống Việt Nam – Campuchia
Nhưng do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng cũng như những tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chế độ Khmer Đỏ mà đứng đầu là tập đoàn phản động Pôn Pốt phá hoại truyền thống tốt đẹp; thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Trước hành động của tập đoàn Pôn Pốt, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Campuchia, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang Campuchia và sự ủng hộ của bạn bè trên thế giới đã đánh đổ chế độ diệt chủng vào ngày 7 tháng Giêng năm 1979.
Lực lượng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh trưa 7-1-1979. (Ảnh: TTXVN) |
Việc phá hoại mối quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia và những hành động tàn bạo, dã man, vô nhân tính của tập đoàn Pôn Pốt nằm trong một âm mưu chiến lược. Từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 - 1975), quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1973, tập đoàn tội ác này gây ra hơn 100 vụ, sát hại và làm bị thương 103 bộ đội Việt Nam, cướp hàng chục tấn lương thực và vũ khí. Ở trong nước, tháng 4-1975, sau khi lên nắm quyền, Pôn Pốt thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc, cưỡng bức lao động khổ sai, tra tấn hành hạ dã man người dân Campuchia; biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể...
Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày nắm quyền, chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần ba triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ tiền tệ, buôn bán và đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.
Đối với Việt Nam, tập đoàn phản động Pôn Pốt đã ra sức phá hoại mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ hai nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường. Năm 1975, khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân xâm lược các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta.
Ngày 3-5-1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc. Ngày 10-5-1975, chúng tiếp tục đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10-1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt.
Cuối năm 1975 đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bất ngờ tiến hành một số vụ xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi hơn 10 km như ở vùng sông Sa Thầy thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, gây ra những tộc ác với nhân dân Việt Nam. Đầu năm 1976, Pôn Pốt xác định: “Tai họa nhất cần phải chú ý là Việt Nam...”. Đi đôi với hành động xâm lược, tập đoàn phản động Pôn Pốt ra sức tuyên truyền, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam, coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thù số 1”.
Lấy cớ làm sạch nội bộ, chúng tiến hành phân loại dân, thực hiện nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu, trong đó tập trung vào số cán bộ trước đây được đào tạo ở Việt Nam. Từ 30-4-1975 đến 30-4-1977, Pôn Pốt ráo riết chuẩn bị chiến tranh khi phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối, kích động tâm lý chống Việt Nam; xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ bảy sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng chục nghìn quân địa phương, trong đó điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam.
Trong hai tháng 3 và 4-1977, quân Pôn Pốt liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới với nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực”, “bảo đảm an ninh nội địa”, nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân ra biên giới. Pôn Pốt tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn chiến lược sống còn, không thể điều hòa được, cũng không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”.
Cuối tháng 4-1977, Pôn Pốt điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ vùng biên giới Tây Nam của nước ta. Đêm 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.
Trước hành động khiêu khích và mở rộng chiến tranh của tập đoàn Pôn Pốt, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm mong muốn chính sách hòa bình, tiếp tục phát triển tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân hai nước; các quân khu, tỉnh có đường biên giới với Campuchia nhận được chỉ thị tăng cường hữu nghị với nhân dân Campuchia, tránh mọi sự khiêu khích.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tháng 12-1976, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường của mình: “Ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, lòng tin cậy, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa nước ta với hai nước anh em trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; làm cho ba nước vốn đã gắn bó với nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước”.
Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn phản động Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm, rồi mở chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.
Trước những tội ác “trời không dung, đất không tha” của tập đoàn quân Pôn Pốt với người dân Việt Nam, chúng ta buộc phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Từ tháng 12-1977, ta mở đợt phản công trên các hướng Đường 7, Đường 1 và Đường 2, đánh bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.
Tiếp đó, từ mùa khô năm 1978, quân và dân ta phối hợp các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia liên tiếp mở các cuộc tiến công, đẩy lực lượng của tập đoàn Pôn Pốt ngày càng rơi vào thế bị động, lúng túng. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 3-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chính thức được thành lập.
Đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, từ ngày 23-12-1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công, lần lượt phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt.
Ngày 6-1-1979, ta bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnom Penh, đến ngày 7-1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng Phnom Penh, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ với tập đoàn Pôn Pốt.
Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Không chỉ một lần nữa khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa đối với nhân dân Campuchia, thắng lợi này còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình và phát triển; giúp nhân dân hai nước khôi phục lại tình đoàn kết hữu nghị vốn có.
Thắng lợi đó như khẳng định của Thủ tướng Campuchia Hun Sen: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế” và thể hiện qua mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng được củng cố, phát triển trong 40 năm qua.
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Cu-ba (1-1-1959 – 1-1-2019) Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 Quốc khánh nước Cộng hòa Cu-ba (1-1-1959 – 1-1-2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng tới đồng chí Raul Castro Ruz, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba và đồng chí Miguel Díaz-Canel Bermúdez, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu-ba. Trong các bức điện có đoạn viết: "... Các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vui mừng và tự hào là nhân chứng của những thành tựu mà nhân dân Cu-ba anh em đã đạt được trong suốt 60 năm qua trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Cu-ba xã hội chủ nghĩa, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Tây bán cầu… Chúng tôi khẳng định tình đoàn kết trước sau như một của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang và chính nghĩa của nhân dân Cu-ba anh em và tin tưởng chắc chắn rằng Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Cu-ba sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước." Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện mừng tới Bộ trưởng Ngoại giao Cu-ba Bruno Rodriguez Parilla. PV (Theo TTXVN) |