Thẩm phán khi xét xử sẽ mặc áo thụng đen dài tay

Thứ Hai, 02/11/2015, 17:20
Ngày 2/11, TAND tối cao đã tổ chức “Hội thảo về Đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử”.

Đồng chí Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao chủ trì buổi hội thảo. Trình bày đề án tại hội thảo, ông Phạm Quốc Hưng, Chánh văn phòng TAND tối cao cho biết, hình ảnh các Thẩm phán trên công đường thể hiện toàn diện, sâu sắc nhất hình ảnh của người bảo vệ công lý.

Tuy nhiên hiện nay, trang phục xét xử của các Thẩm phán chưa được quy định rõ ràng, cụ thể mà vẫn sử dụng trang phục làm việc để làm trang phục xét xử. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, TAND tối cao đề nghị trang phục xét xử của Thẩm phán là áo thụng đen.

Theo đó khi xét xử, các Thẩm phán sử dụng trang phục làm việc thông thường, đồng thời có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Mặc dù Luật Tổ chức TAND quy định có bốn loại Thẩm phán và đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, tuy nhiên quy trình bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao có sự khác biệt nhất định (Thẩm phán TAND tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội), do vậy cần có thiết kế riêng về trang phục xét xử của Thẩm phán TAND tối cao so với trang phục xét xử của Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.

Đối với Thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên, xuất phát từ yêu cầu là trang phục xét xử cần đảm bảo thân thiện đối với người chưa thành niên nên có thể chọn một trong hai phương án: Thứ nhất, trang phục xét xử của các Thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên là trang phục làm việc hàng ngày của Thẩm phán để thể hiện hình ảnh thân thiện, không cách xa của các Thẩm phán trên công đường. Thứ hai, theo thông lệ thế giới, màu cam tượng trưng cho sự hài hòa, thân thiện.

Do đó có thể quy định trang phục xét xử của Thẩm phán khi xét xử các vụ án gia đình và người chưa thành niên là áo thụng dài tay màu cam khoác bên ngoài với thiết kế giống áo choàng đen của các Thẩm phán khác (trừ Thẩm phán TAND tối cao). Ngoài ra, đề án cũng đề nghị quy định “Lễ phục” cho Thẩm phán nên quy định là áo thụng và có thiết kế khác biệt so với áo thụng xét xử. Do đó, lễ phục dành cho Thẩm phán nên sử dụng chất vải màu sắc kèm theo một số họa tiết phù hợp.  

Đối với trang phục dành cho Hội thẩm TAND, đề án đề nghị quy định là trang phục làm việc hàng ngày là quần âu, cáo sơ mi trắng (xuân, hè) và veston (thu, đông). Ngoài vấn đề trang phục, đề án cũng đề nghị bổ sung “Tấm biển phù hiệu Tòa án” cho bốn loại Thẩm phán gồm: Thẩm phán TAND tối, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Riêng trang phục dành cho Thẩm phán Tòa án Quân sự các cấp và Hội thẩm nhân dân thực hiện theo đề xuất của Bộ Quốc phòng.

Về phương án hình thức tổ chức phiên tòa, trình bày tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đề xuất phương án: HĐXX ngồi trên cao nhất; Thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX; đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích ngồi đối diện nhau ở phía dưới HĐXX; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng và những người dự phiên tòa.

Mô hình phiên tòa hiện nay là: HĐXX ngồi giữa; Thư ký phiên tòa ngồi bên trái; đại diện Viện kiểm sát ngồi đối diện với Thư ký phiên tòa; luật sư ngồi dưới một cấp; dưới nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng và những người dự phiên tòa.

Nguyễn Hưng
.
.
.