Thách thức an ninh nguồn nước sông Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam

Thứ Hai, 29/05/2017, 14:30

Là chủ đề của Hội thảo quốc tế, được tổ chức từ ngày 29 đến 30-5, tại Trường Đại học Cần Thơ, với sự tham gia của các học giả, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở tận cùng sông Mekong nơi dòng nước chia thành các nhánh lớn đổ vào biển Đông. Vùng châu thổ non trẻ này vốn trù phú và tồn tại nhờ sự bồi đắp của phù sa và lượng dinh dưỡng dồi dào dòng sông mẹ Mekong, nhất là vào mùa lũ hàng năm. Nhờ đó, hàng thập kỷ qua, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa lớn nhất Việt Nam, không chỉ chiếm 2/3 sản lượng nông sản xuất khẩu của đất nước mà còn là nơi hình thành và nuôi dưỡng nền văn minh sông nước – miệt vườn đặc sắc. 

PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trên thực tế, ĐBSCL với nguồn tài nguyên sinh vật dồi dào đã là nơi nuôi sống cho trên 20 triệu dân trong vùng, tạo ra lượng lớn sản phẩm nông sản cung ứng đến nhiều vùng trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ nổi tiếng với vai trò đảm bảo an ninh lương thực, ĐBSCL còn sớm nổi tiếng bởi giá trị sinh thái với nhiều quần thể sinh vật đặc thù và nhiều loài đặc hữu như sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô rái cá...  

Tuy nhiên, những năm gần đây, ĐBSCL ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hàng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ mau chóng đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mekong đã khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở hạ châu thổ sông Mekong nói chung, ĐBSCL của Việt Nam nói riêng, trở nên bức bách.

Phát khai mạc hội thảo, PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hệ thống đập thuỷ điện thượng nguồn sông Mekong. Chúng tôi, những người ở vùng hạ nguồn sông Mekong mong muốn thông qua hội thảo này nhằm chia sẻ những lo lắng về sự phát triển của hệ thống đập thuỷ điện ở vùng thượng lưu. Những lo lắng của cư dân vùng hạ nguồn sẽ được các cơ quan thông tấn báo chí vùng hạ nguồn sông Mekong truyền tải thông điệp đến các qốc gia vùng thượng nguồn”. 

Còn TS Dương Văn Ni (đến từ Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ) cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000 ha lúa, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu USD trong năm 2015-2016. Đây là hậu quả của việc con người tác động vào dòng chảy sông Mekong khiến cả vùng lưu vực đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vô cùng to lớn. 

Các đại biểu tham dự Hội thào

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên, câu chuyện về sông Mekong không phải là hội thảo đầu tiên bàn thảo về an ninh nguồn nước và tác động của nó tới vùng ĐBSCl. Cách đây gần 10 năm các đập thuỷ điện lần lượt ra đời. Các tổ chức phi chính phủ, nhà khoa học Việt Nam đã đưa câu chuyện quản lý nguồn nước ở thượng nguồn Mekong ra bàn thảo. Từ chỗ câu chuyện không được nhiều người quan tâm trước đó, giờ đã thay đổi mạnh mẽ.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm con người và thiên nhiên với Khoa Sư phạm – Trường Đại học Cần Thơ, Đại sứ quán Thụy Điển, chương trình hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam” được tổ chức như một diễn đàn đối thoại đa phương. 

ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh nguồn nước.

Các chuyên gia, nhà học giả, cơ quan báo chí và cộng đồng… cùng thảo luận nhằm tạo ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu gây ra. Thiệt hại về sinh kế, những lo lắng mà cư dân ĐBSCL phải gánh chịu là minh chứng rõ nét cho thấy sự cần thiết các bên liên quan xem xét tính cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường bền vững trong khu vực. 

Đức Văn
.
.
.