“Tàu 67” phát sinh hơn 200 tỷ đồng nợ xấu

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:38
Đây là số liệu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra khi trả lời cử tri tỉnh Thừa Thiên-Huế về kết quả cho các hộ nông dân vay vốn theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. 

NHNN cho biết: đến nay, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.055 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.489 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 9.622 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.373 tỷ đồng, tăng 22,2% so với 31-12-2016. Giải quyết 93% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu.

Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, các NHTM đã cho vay đóng mới, nâng cấp 41 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay trên 305 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 250 tỷ đồng, giải quyết 100% hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu và không phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành ngân hàng. 

Các ngân hàng cam kết cho vay 10.489 tỷ đồng đóng "tàu 67".

Sau gần 3 năm triển khai, đã có 1.000 con tàu công suất lớn được đóng mới, nâng cấp, trong đó gần 40% là đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite và đã có gần 800 con tàu được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng bước đầu có hiệu quả và trả nợ vốn vay ngân hàng với số tiền trên 248 tỷ đồng”. 

Tuy nhiên, nợ xấu của chương trình đang có xu hướng gia tăng do nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Đến nay đã phát sinh 52 khoản vay (dư nợ trên 657 tỷ đồng) quá hạn (tại 11/28 tỉnh, thành phố ven biển), trong đó 16 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền trên 203 tỷ đồng. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu, theo NHNN trước tiên là về chất lượng tàu: tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, không khai thác được phải nằm bờ hoặc tàu đã đưa vào khai thác nhưng phải sửa chữa thường xuyên. Chủ tàu không có khả năng tiếp tục đóng mới hoặc khai thác tàu do bị bệnh hoặc qua đời trong khi Nghị định 67 và các văn bản liên quan không có quy định về cơ chế chuyển đổi chủ tàu gây khó khăn cho ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ vay. 

Bên cạnh đó, chủ tàu khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài đánh chìm tàu, không được bảo hiểm bồi thường, mất tài sản bảo đảm là con tàu hình thành từ vốn vay trong khi Nghị định 67 chưa có quy định về việc xử lý rủi ro do nguyên nhân này để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng thương mại. Ngoài ra, việc khai thác của chủ tàu không hiệu quả do nguồn lợi hải sản có dấu hiệu suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định,... dẫn đến chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn.

NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc nêu trên và biện pháp xử lý, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị đầu mối) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để trình Chính phủ ban hành.

Riêng về đề án giúp người dân khắc phục sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung, đến nay, các TCTD đã cho vay mới 626 tỷ đồng đối với 5.623 lượt khách hàng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ 224 tỷ đồng cho 1.996 khách hàng; thực hiện miễn, giảm lãi cho 570 khách hàng với dư nợ 898 tỷ đồng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,86 tỷ đồng). 

Đối với chính sách hỗ trợ cho vay đóng mới 400 tàu cá để chuyển từ khai thác hải sản vùng biển gần ra vùng biển xa bờ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo dừng triển khai chính sách cho vay đóng mới 400 tàu cá để chuyển kinh phí sang thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, phân bổ kinh phí (300 tỷ đồng/tỉnh) và giao cho 4 tỉnh triển khai thực hiện..

Lệ Thúy
.
.
.