“Tập trung ưu tiên hoàn thành CSDLQG về dân cư trong Chính phủ điện tử”

Thứ Năm, 20/09/2018, 17:18
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sáng 20-9.

Tại phiên họp, các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ về xây dựng Chính phủ điện tử và kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, chỉ tiêu ban đầu về Chính phủ điện tử chưa cao nhưng phải đặt ra tính tổng thể ngay từ đầu. Nhiệm vụ cần làm ngay là xây dựng cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách pháp lý và con người để vận hành hệ thống này. Chính vì vậy, phải xem xét đối tượng, đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ mới có thể tiếp cận được hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến cơ sở dữ liệu phải được triển khai đồng bộ, tránh việc chất lượng không cao; phải có cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương. 

“Hiện nay ngành dọc Bộ Tài chính triển khai tốt từ cơ sở dữ liệu, hải quan, thuế...đều làm trên không gian mạng. Chính phủ điện tử hướng tới việc thông suốt từ trên xuống dưới và ngược lại, ngành nọ phục vụ cho ngành kia. Ví dụ như muốn quản lí tốt và thu thuế triệt để thì cần kết nối với đăng ký kinh doanh” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng chính phủ với Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng góp ý 7 vấn đề, trong đó nhấn mạnh dự án nền tảng cho Chính phủ điện tử thì không nên “người người chỉ đạo, nhà nhà làm” như vừa qua mà nên một người chỉ đạo, một số ít các doanh nghiệp lớn làm thì mới nhanh, mới bảo đảm sự thống nhất, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin.

Còn đối với các dự án ứng dụng thì có thể nhiều người chỉ đạo, nhiều người làm, nên tăng cường nguồn lực xã hội nên cho các doanh nghiệp đầu tư theo kiểu hợp tác công tư vừa tiết kiệm ngân sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh.  

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là thể chế, chính sách và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm giúp Thủ tướng để Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ dữ liệu. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng để ban hành nghị định về lưu giữ hồ sơ điện tử.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Đây được xem là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến phát biểu, yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa các ý kiến, rà soát, bổ sung những vấn đề mới, xác đáng để tạo nên sức sống, tính thực tiễn cao trong tổ chức thực hiện các giải pháp về phát triển Chính phủ điện tử.

Thủ tướng biểu dương một số bộ, ngành, địa phương về xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân, triển khai một cửa điện tử…, đồng thời Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, bất cập và nguyên nhân như chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Cơ chế bảo đảm thực thi chưa đủ mạnh. Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, dàn trải, “năm cha, ba mẹ”.

Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ  điện tử; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11-2018, trường hợp cần thiết, tham mưu, đề xuất Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Văn phòng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được Chính phủ giao triển khai, trước hết là phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018; đẩy mạnh triển khai giải pháp xác thực tập trung cho người dân, doanh nghiệp để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương.

Các bộ chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đất đai quốc gia, đăng ký doanh nghiệp và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, trước mắt tập trung ưu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thủ tướng nhất trí việc tổ chức tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban thành 4 nhóm công tác về: Thể chế và cải cách hành chính; nguồn lực và bảo đảm thực thi; giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin; truyền thông.

Tại Phiên họp, Thủ tướng chứng kiến ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng Chính phủ điện tử rất cần thiết và quan trọng trong việc phòng chống tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng Chính phủ điện tử rất cần thiết và quan trọng trong việc phòng chống tội phạm. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Việc quản lí CMND, Căn cước công dân đang có nhiều bất cập. Như việc giao cho Công an xã xác nhận công dân cấp CMND trong khi Công an xã không phải là lực lượng chính quy. 

“Thời gian qua, việc xác nhận này đã xảy ra nhiều vi phạm vì nhiều công dân không có quốc tịch Việt Nam nhưng lại xác nhận người Việt Nam để làm CMND, hộ chiếu dẫn đến việc tội phạm lợi dụng những giấy tờ trên để thực hiện hành vi phạm tội”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu thực trạng và khẳng định việc triển khai các CSDLQG về dân cư rất quan trọng trong phòng ngừa tội phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc triển khai Chính phủ điện tử gặp khó khăn vì bản chất của mạng thông tin và Chính phủ điện tử là mở rộng, công khai, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà có sự chi phối của Quốc tế nên cách quản lí phải thay đổi. 

Tuy nhiên, hiện chưa đưa ra được cách quản lí phù hợp, hiệu quả, các quan hệ trên mạng chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Chính vì vậy, hệ thống luật pháp phải có thay đổi phù hợp. Đây là yêu cầu rất quan trọng, cả trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến sự đánh giá sự hiểu biết của của người dân đối với thành tựu của Chính phủ và việc đầu tư công nghệ cho Chính phủ điện tử để phù hợp với xu thế của thế giới là khó khăn, tốn kém nên phải đánh giá, tính toán năng lực, trình độ khi triển khai Chính phủ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phương Thuỷ
.
.
.