Tập trung thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy đường sắt đô thị

Thứ Sáu, 03/01/2020, 08:10
Ngày 2-1-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 theo hình thức trực tuyến, điểm đầu cầu tại TP Hà Nội và các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới dự và chỉ đạo hội nghị.


Báo cáo về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của năm 2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, về vận tải, ngành GTVT đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2019.

Đối với đầu tư phát triển, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 với số vốn dự kiến giải ngân là 35.300 tỷ đồng. Về công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, ngành GTVT sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự hội nghị tổng kết ngành Giao thông.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,…

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành, đặc biệt là đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sớm khởi công các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, với sự nỗ lực cố gắng, đất nước ta năm 2019 đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt. Có thể nói năm 2019 là năm thứ 3 liên tục, ta đã hoàn thành các chỉ tiêu do Quốc hội giao. Tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%, lạm phát ở mức thấp, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn…

Trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Giao thông Vận tải. Ngành đã tạo ra hệ thống hạ tầng giao thông cho cả nước; tạo ra năng lực vận tải để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Tuy nhiên, thực tế, dù có được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, song ngành Giao thông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là việc xử lý những vấn đề tồn tại của thời kỳ trước, trong đó liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra”, Phó Thủ tướng nêu và chỉ rõ thêm một số tồn tại của ngành: Kết cấu hạ tầng giao thông nhìn chung chất lượng còn thấp. Đường bộ có 29.500km nhưng hiện chỉ có 1.300km đường cao tốc. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 chúng ta phải đạt 2.000km đường cao tốc. “Từ nay đến cuối năm, liệu chúng ta có đạt được 700km này không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó là tình trạng quá tải sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất chưa khắc phục được; kết nối giao thông giữa các khu vực kinh tế phát triển, các đô thị, cảng biển còn hạn chế; việc đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng núi phía Bắc còn chậm; hạ tầng giao thông ở các khu vực lớn cũng bị đầu tư chậm, đặc biệt là đường sắt đô thị, khiến cho gia tăng ùn tắc, ô nhiễm môi trường…

Để hoàn thiện các mục tiêu mà Bộ GTVT đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2020 của Chính phủ, tập trung tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế, chính sách liên quan đến ngành GTVT; bám sát chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung xây dựng, trình các văn bản QPPL, đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT phải tập trung vào tái cấu trúc cơ cấu vận tải cho hợp lý; lập các quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa…).

Phó Thủ tướng còn yêu cầu Bộ GTVT tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành.

Phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình…

Phạm Huyền
.
.
.