Tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, du lịch

Thứ Hai, 25/11/2019, 15:16
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đảm bảo thông thoáng về thủ tục cho người nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, du lịch.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội chiều nay (25-11) biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với tỷ lệ ủng hộ 83,64%, tức 404 đại biểu trên tổng số 446 đại biểu tham gia phiên họp tán thành.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật.

Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Việc ban hành luật sẽ tiếp tục cụ thể hoá Hiến pháp 2013, luật hoá các chính sách về tạo điều kiện thuận lợi hành cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đón tiếp, làm việc với người nước ngoài đến Việt Nam.

Với nhiều nội dung đổi mới, luật một mặt tạo cơ chế thông thoáng người nước ngoài tới đầu tư, du lịch, mặt khác tăng cường quản lý theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; theo đó thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các nội dung đáng chú ý trong luật là việc luật hóa việc cấp thị thực điện tử và việc áp dụng giao dịch điện tử trong mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.

Luật vừa được thông qua cũng quy định cấp thị thực theo danh sách đối với khách du lịch tàu biển và thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.

Luật sửa đổi quy định về ký hiệu, thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên và phân loại các nhà đầu tư theo mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc về quy định phân loại thị thực nhà đầu tư trên cơ sở vốn góp.

Liên quan vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng việc phân loại các nhà đầu tư theo mức vốn góp nhằm xác lập chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư lớn theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.

"Quy định mức vốn góp trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Việt lí giải thêm. Đối với trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam để nghiên cứu, khảo sát, tư vấn đầu tư là chưa phải nhà đầu tư nên tùy theo mục đích, đối tượng làm việc tại Việt Nam sẽ được cấp thị thực cho phù hợp.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước và giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.

"Nếu bổ sung điều kiện làm thu hẹp diện các nước đang được đơn phương miễn thị thực khó bảo đảm tính khả thi, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với nước bị thu hẹp và không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho lược bỏ khoản 8 Điều 1 của dự thảo Luật", ông Việt thông tin.

Cũng theo ông Việt, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ nguyên tắc mời, bão lãnh đối với thị thực truyền thống, nhất là đối với khách du lịch để bảo đảm công bằng giữa thị thực điện tử với thị thực truyền thống.

Về ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, thị thực điện tử là loại thị thực được cấp qua giao dịch điện tử đã được thực hiện thí điểm đạt hiệu quả tích cực. Công tác kiểm tra, xét duyệt nhân sự được thực hiện chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng xấu, đối tượng khai không đúng sự thật để đề nghị cấp thị thực điện tử.

"Còn đối với thị thực truyền thống, theo quy định của Luật số 47 (luật hiện hành-PV) thì phải bảo đảm nguyên tắc cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và đã thực hiện ổn định trong thời gian dài, chưa phát sinh vấn đề phức tạp. Nếu bỏ nguyên tắc mời, bảo lãnh là vấn đề lớn làm thay đổi chính sách cấp thị thực, chưa được đánh giá tác động về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, nên đề nghị chưa bổ sung vào dự thảo Luật này", ông Việt lý giải.

Thiện Minh - Thu Thuỷ
.
.
.