Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40%

Thứ Sáu, 19/06/2020, 15:20

Với 87,37% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, chiều nay, 19-6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.


Lựa chọn người tiêu biểu, tâm huyết làm ĐBQH

Theo báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, đa số ý kiến tán thành việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40% tổng số ĐBQH; ý kiến khác đề nghị nâng tỷ lệ này lên trên 50%. Để bảo đảm đạt được tỷ lệ này trên thực tế, có ý kiến đề nghị cần có giải pháp, quy định chặt chẽ hơn trong Đề án bầu cử và các văn bản hướng dẫn; đề nghị một số tỉnh, thành phố được bố trí thêm 1 ĐBQH hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu, đặc thù về địa giới hành chính, quy mô dân số.

Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng, việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương. 

ĐBQH biểu quyết tại hội trường.

Có ý kiến đề nghị xem xét, phân bổ chỉ tiêu ứng cử ĐBQH trong Đề án bầu cử ĐBQH và các văn bản hướng dẫn theo nguyên tắc không nặng về cơ cấu mà chú trọng đến chất lượng; giảm cơ cấu ĐBQH kiêm nhiệm trong các cơ quan hành pháp, tư pháp; bảo đảm ĐBQH có đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, thời gian để tham gia hoạt động của Quốc hội.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Ý kiến khác cho rằng, không nên cơ cấu ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học vì ĐBQH là chính trị gia, còn chuyên gia là những người am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, nếu được cơ cấu làm ĐBQH thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của Quốc hội.

UBTVQH thấy rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thì vấn đề quan trọng nhất, có tính quyết định đó là lựa chọn được những người tiêu biểu thực sự tâm huyết, có năng lực, trình độ, uy tín, bản lĩnh, kinh nghiệm và sức khỏe vào làm ĐBQH. Đây là chỉ đạo xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng cũng như yêu cầu của cử tri và của chính các vị ĐBQH với mong muốn làm cho Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Vì vậy, đối với các nội dung nêu trên, UBTVQH xin phép được tiếp thu, ghi nhận để có định hướng phù hợp trong Đề án bầu cử ĐBQH sắp tới.

Chấm dứt thí điểm hợp nhất 2 Văn phòng

Một số ý kiến đề nghị kết thúc thí điểm và giữ mô hình 3 Văn phòng giúp việc như hiện hành; các ý kiến khác đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnhvà giao UBTVQH hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH.

Toàn cảnh hội trường.

Theo Báo cáo số 232/BC-CP ngày 18/5/2020 của Chính phủ thì kết quả tổng kết sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm cho thấy việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho 3 cơ quan theo mô hình thí điểm chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh; chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý.

Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, xin phép Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh.

Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm sẽ chuyển ngay sang mô hình nêu trên; ở các địa phương còn lại thì sẽ hoàn thành việc chuyển giao và thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Do đó, luật quy định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14-10-2018 của UBTVQH.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Bảo Quân
.
.
.